Lễ tưởng niệm nhìn lại 20 năm lũ lớn khu vực miền Trung

Trong nước - Ngày đăng : 13:17, 30/11/2019

(TN&MT) - Sáng 30/11, tại TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) phối hợp một số bộ, ngành và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Chương trình nghệ thuật nhìn lại 20 năm lũ lớn khu vực miền Trung với chủ đề “Kết chặt tay, dựng đời mới”.

Chương trình nghệ thuật nhìn lại 20 năm lũ lớn khu vực miền Trung

Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Trần Quang Hoài; các nguyên lãnh đạo Trung ương, Bộ, ban ngành;  đại diện nhiều tỉnh thành miền Trung và người dân chịu thiệt hại của cơn lũ năm 1999.

Đợt mưa lũ lịch sử tháng 11/1999 là một trong những trận thiên tai nghiêm trọng nhất xảy ra tại khu vực miền Trung, được ví là trận “đại hồng thủy”. Mưa lũ đã làm 818 người chết và mất tích, trên 1 triệu ngôi nhà bị ngập và hàng ngàn ngôi nhà, trường học, trạm y tế... bị lũ cuốn trôi, thiệt hại về kinh tế ước tính gần 5.000 tỷ đồng, trong đó tỉnh Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 372 người chết và mất tích.

Chương trình “Kết chặt tay, dựng đời mới” với nhiều tiết mục văn nghệ, trình chiếu những thước phim, hình ảnh quý giá và xúc động cách đây 20 năm nhằm nhìn nhận lại những kí ức đau thương, sự chống chọi kiên cường của nhân dân, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong trận lũ năm 1999.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tham dự chương trình

20 năm trôi qua, những con người của dải đất miền Trung đã biến nỗi đau thương thành hành động, mất mát thành nghị lực, chính quyền và nhân dân miền Trung đã nỗ lực vươn lên không ngừng và đang có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội. Đặc biệt, năng lực PCTT đã được cải thiện, tăng cường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đồng thời, an toàn hơn trước thiên tai.

Riêng tại Thừa Thiên Huế, công tác PCTT đã đạt được những thành quả đáng kể như tổng số tiền thu từ các quỹ PCTT toàn tỉnh là hơn 5,3 tỷ đồng; sử dụng mạng xã hội để truyền tin cảnh báo thiên tai; hệ thống thông tin liên lạc khẩn cấp, đặc biệt trong công tác trồng rừng với độ phủ xanh hơn 50%. Từ những thành quả trên, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT vừa quyết định công nhận Thừa Thiên Huế hoàn thành kế hoạch xây dựng tỉnh điển hình về PCTT.

Trong suốt tháng 11 này, nhân dân và chính quyền các địa phương miền Trung cùng các tổ chức đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động khác nhau để đánh giá, nhìn nhận lại trận lũ lịch sử, đúc kết những bài học kinh nghiệm...

Người dân chịu thiệt hại nặng nề của trận lụt lịch sử năm 1999 xúc động khi xem lại những thước phim đau thương

Để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại có thể gây ra bởi những trận thiên tai lớn có thể xảy ra trong thời gian tới, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị chính quyền các cấp, lực lượng PCTT, lực lượng vũ trang và nhân dân thường xuyên nâng cao nhận thức và năng lực PCTT, không lơ là, mất cảnh giác, chủ động ứng phó trong những tình huống bất lợi nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao năng lực dự báo, theo dõi giám sát, cảnh báo thông tin truyền thông để phục vụ điều hành chỉ đạo và cung cấp thông tin kịp thời đến người dân.

Nâng cao hiệu quả vận hành và đảm bảo an toàn các công trình PCTT như hồ chứa, các nơi trú tránh cho người và tàu thuyền; Đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, thông tin liên lạc, các công cụ hỗ trợ điều hành ra quyết định; củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng xung kích cơ sở; Thường xuyên thực hiện việc giáo dục, tuyền truyền pháp luật, kiến thức, kĩ năng phòng tránh thiên tai sâu rộng trong xã hội, chú trọng đến học sinh và các đối tượng dễ bị tổn thương, đồng bào dân tộc thiểu số; Thực hiện việc lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở các cấp, ngành địa phương...

Đúc kết chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt, và thiên tai là một dạng rủi ro gây nên thiệt hại lớn nhất về người và tài sản cũng như tác động tiêu cực nhất đến sản xuất. Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng luôn chịu ảnh hưởng năng nề của thiên tai và điều này ai cũng thấu hiếu, sẻ chia; cơn “đại hồng thủy” năm 1999 là một trong những ký ức đau thương mà không ai muốn nhìn thấy...

Tặng nhà an toàn thiên tai cho các hộ dân bị thiệt hại

“Hôm nay chúng ta nhìn lại những mất mát để để hệ thống chính quyền các cấp và cộng đồng cùng nâng cao ý thức cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với thiên tai đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Dù đã có những thành tựu nhưng tôi yêu cầu chính quyền các cấp không chủ quan trước thiên tai ở mọi góc độ. Đề nghị Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai, phát huy hơn nữa các mặt của một địa phương điển hình về phòng PCTT; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm cho các địa phương khác trong khu vực và trên cả nước triển khai thực hiện...”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Cũng tại chương trình, Ban Cứu trợ Trung ương đã dành tặng món quà hỗ trợ xây dựng 50 căn nhà an toàn trước thiên tai cho các hộ dân bị thiệt hại của tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam trị giá 2 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam Vinaseed trao tặng 125 căn nhà cho người dân tỉnh Thừa Thiên Huế, trị giá 5 tỷ đồng. Chương trình còn có sự hỗ trợ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, Công ty cổ phần dịch vụ cáp treo Bà Nà.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi đồng bào, chiến sỹ và lực lượng làm công tác PCTT, cứu hộ, cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung.

Qua 20 năm kể từ sau cơn lũ lịch sử năm 1999, năng lực PCTT khu vực miền Trung đã được Trung ương quan tâm đầu tư: 2.400 hồ đập; 506km đê, 99km kè và 776 cống; kinh phí đầu tư 7.700 tỷ đồng; 1.755 tàu/3.000 tàu cá cả nước gắn thiết bị định vị movimar, 9.363 tàu/10.409 tàu cá cả nước lắp hệ thống giám sát trạm bờ, 41 cảng cá/61 cảng cá cả nước được đầu tư xây dựng. Ngoài ra, 2 hồ lớn: Tả Trạch (Thừa Thiên Huế) và Phú Ninh (Quảng Nam) được đưa vào vận hành đã góp phần cắt giảm ngập lụt vùng hạ du.

 

 

Văn Dinh