Giữ rừng nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Môi trường - Ngày đăng : 11:12, 27/11/2019
Hơn 343ha rừng được nhân dân bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ bảo vệ xanh tốt. |
Huyện Nậm Pồ có hơn 44.483,7ha đất lâm nghiệp có rừng; trong đó có gần 41.000ha rừng đủ điều kiện chi trả DVMTR. Toàn bộ diện tích rừng của huyện nằm trên lưu vực sông Ðà, người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ chính sách chi trả DVMTR, góp phần giúp bà con cải thiện cuộc sống. Năm 2018, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã chi trả hơn 36,7 tỷ đồng cho 15 chủ rừng là hộ gia đình, 107 chủ rừng là cộng đồng, 2 chủ rừng là tổ chức và 12 chủ rừng UBND xã.
Ông Trần Đức Quyền, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm huyện Nậm Pồ cho biết: Thấy được lợi ích từ việc bảo vệ và giữ rừng nên chủ rừng ở các xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ cũng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát triển vốn rừng. Nhờ đó, việc tuyên truyền chính sách pháp luật bảo vệ và phát triển rừng, chính sách chi trả DVMTR rừng tới người dân thuận lợi hơn trước. Bảo vệ rừng không còn là việc riêng của cấp ủy, chính quyền địa phương hay bị phó mặc cho lực lượng kiểm lâm như nhiều năm trước mà đã huy động sự tham gia tích cực của nhân dân.
Bà con nhân dân bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ cùng lực lượng kiểm lâm huyện tuần tra bảo vệ rừng. |
Theo chân tổ tuần tra bảo vệ rừng bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) trong một buổi tuần tra, chúng tôi được ông Lèng Văn Họa, tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ rừng bản Nà Hỳ 1 chia sẻ: Ðể có được những cánh rừng xanh tốt như bây giờ không phải chuyện dễ dàng. Nhiều năm trước đây, mọi sinh hoạt của 100 hộ trong bản phụ thuộc chủ yếu vào hạt thóc, bắp ngô trồng trên nương do ít diện tích đất trồng lúa nước. Mặt khác, hệ thống thủy lợi tưới tiêu còn thiếu nên nhiều diện tích lúa ruộng chỉ trồng được một vụ. Không làm nương thì không đủ lương thực để duy trì cuộc sống và đương nhiên điều đó ít nhiều ảnh hưởng tới việc bảo vệ, giữ rừng…
Nhưng đó là chuyện của những năm về trước, bởi từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, bà con bản Nà Hỳ 1 được hưởng lợi về kinh tế từ hơn 343ha rừng mang lại nên ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao. Ông Hoa phấn khởi cho biết: Chỉ tính riêng trong năm 2018, nhân dân bản Nà Hỳ 1 được chi trả trên 400 triệu đồng. Nhận tiền DVMTR, bà con trong bản phần mua lương thực, phần trang trải cuộc sống. Ông Họa cho biết thêm: Nhờ có tiền DVMTR, nhân dân bản Nà Hỳ 1 đã đóng góp để cùng nhau xây dựng kiên cố được hơn 1km đường nội đồng.
Bà con bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa để phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng. |
Ông Tao Văn Phóng, thành viên tổ bảo vệ rừng bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ chia sẻ: Chính sách chi trả DVMTR được triển khai những năm qua đã giúp nhân dân có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Vì thế mỗi hộ dân đều ý thức hơn việc bảo vệ, giữ rừng, kịp thời phát hiện những hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Cây rừng điều hòa khí hậu, cung cấp nước sản xuất vì vậy thêm nhiều diện tích nương khô cằn trước đây được bà con cải tạo, khai hoang thành ruộng bậc thang để trồng lúa, hoa màu. Xóa bỏ hoàn toàn việc sản xuất trên nương.
Không chỉ chi trả tiền DVMTR, cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên còn hướng dẫn chủ rừng quản lý và sử dụng đúng mục đích nguồn tiền DVMTR; giúp chủ rừng hiểu được những quy định quản lý tiền DVMTR tại thôn bản; thực hiện các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, trồng rừng; hướng dẫn cho các hộ vay vốn để phát triển kinh tế; các hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ rừng. Qua đó giúp chủ rừng quản lý, sử dụng đúng nguồn tiền DVMTR, thực hiện các hoạt động cải thiện sinh kế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thực tế cho thấy, khi cuộc sống được cải thiện nhờ giữ rừng, bà con đã chung tay, tích cực bảo vệ rừng; giảm thiểu tình trạng đốt, phá rừng làm nương như nhiều năm về trước. Từ đó, những cánh rừng Nậm Pồ ngày càng xanh tốt.