ĐBSCL: Phế phẩm nông nghiệp không còn là nỗi lo đối với môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 18:57, 26/11/2019

(TN&MT) - Trong thời gian gần đây, nhiều loại phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp không còn bị đốt bỏ như trước, thay vào đó người dân vùng ĐBSCL đã thu gom để bán hoặc xử lý thành phân bón cho cây trồng. Cách làm này vừa cho hiệu quả kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Trong những năm gần đây, tình trạng đốt đồng sau thu hoạch của người dân vùng ĐBSCL đã giảm đi đáng kể

Nhiều lợi ích từ rơm, trấu

Là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, nên mỗi năm khu vực ĐBSCL đã phát sinh một lượng lớn phế phẩm như rơm, trấu, bả bùn mía. Để xử lý lượng phế phẩm này, giải pháp thông thường mà người dân hay làm trước đây là đốt hoặc lưu chứa thành đống. Điều này không chỉ tác động xấu đến chất lượng tài nguyên đất, nước, mà còn gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, do nhu cầu trong chăn nuôi trâu, bò, xấy lúa, trồng nấm ngày càng tăng, nhiều thương lái đã tìm đến nông dân mua những phế phẩm này, từ đó đã làm cho tình trạng đốt đồng sau thu hoạch lúa hay vứt trấu, bả bùn mía ra các sông rạch ở vùng ĐBSCL giảm đi đáng kể.

Ông Trần Văn Trưởng, ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang có 16 công đất trồng lúa, sau mỗi vụ thu hoạch ông cũng có thêm một phần thu nhập từ việc bán rơm. Trao đổi với Phóng viên, ông Trưởng biết: “Khi chuẩn bị thu hoạch lúa, thương lái liên hệ để mua rơm với giá dao động từ 100 đến 150 ngàn đồng/công. Với 16 công ruộng trồng lúa 3 vụ, mỗi năm tôi cũng có thêm hơn 5 triệu đồng từ bán rơm”.

Từ cuối năm 2018 đến nay, hầu hết khối lượng rơm sau thu hoạch lúa của người dân ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu đều được thương lái đến mua hết và đóng thành bánh đưa đến vùng khác tiêu thụ. Một vị lãnh đạo Cảng Sóc Trăng cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, mỗi tháng Cảng được một số cơ sở thuê vận chuyển khoảng 500 tấn rơm ra một số tỉnh miền Trung bán lại cho các trang trại chăn nuôi trâu, bò.

Theo một số người dân ở Hậu Giang, Sóc Trăng, mặc dù số tiền thu được từ việc bán rơm không lớn nhưng đã trang trãi được một phần chi phí cho người làm nông trong việc cải tạo lại đất, thuê mướn nhân công thu hoạch. Và điều đặc biệt hơn là đã hạn chế được tình trạng ô nhiễm không khí từ khói, bụi đốt rơm, cản trở tầm nhìn của các phương tiện giao thông và bảo vệ được chất dinh dưỡng cho đất. 

Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều nông dân vùng ĐBSCL đã tận dụng rơm rạ để trồng nấm rơm. Ông Phan Bá Nghi, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ cho biết: “Bình quân mỗi năm, tôi sử dụng khoảng 500 tấn rơm nguyên liệu để sản xuất nấm sạch thương phẩm. Việc trồng nấm bằng rơm không chỉ cho sản phẩm sạch đáp ứng được yêu cầu của thị trường mà còn giảm được chi phí đầu tư”.

Đối với phụ phẩm trấu, hiện cũng đang được các công ty, cơ sở chế biến lương thực tại vùng ĐBSCL thu mua làm chất đốt. Ông Đoàn Thái Trung, Phó Giám đốc Công ty XNK Lương thực - Thực phẩm Miền Tây cho rằng: “Giải pháp dùng củi trấu làm nhiên liệu đốt lò sấy lúa không chỉ tiết kiệm được chi phí, tăng thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân”.

Rơm được đóng bánh tại Cảng Sóc Trăng chuẩn bị vận chuyển ra miền Trung bán cho các trang trại chăn nuôi trâu, bò

Xử lý thành phân bón hữu cơ

Ngoài việc sử dụng các phế phẩm phát sinh trong nông nghiệp để chăn nuôi gia súc, làm chất đốt, thì hiện nay nhiều địa phương đã triển khai mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học hay phối trộn bả bùn mía để sản xuất ra phân hữu cơ bón cho cây trồng. 

Nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả trong sản xuất, bảo vệ môi trường, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang vừa thử nghiệm mô hình xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại một số xã trên địa bàn huyện Phụng Hiệp và bước đầu đã cho nhiều kết quả tích cực.

Là một trong những hộ dân thực hiện mô hình này, ông Lê Văn Các, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp chia sẻ, từ năm 2017 đến nay, ông được Trung tâm khuyến nông của huyện phổ biến kỹ thuật, hỗ trợ chi phí để thử nghiệm mô hình này trên 400 cây dừa. Sau một thời gian thử nghiệm, việc xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ đã tiết kiệm cho ông từ 20% đến 30% chi phí đầu tư, cây dừa phát triển xanh tốt. 

Ông Trần Trung Tính, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sinh học vào xử lý các phế thải từ nông nghiệp được coi là hướng đi đúng, góp phần đảm bảo nền sản xuất nông nghiệp bền vững, an toàn sản phẩm và hạn chế ảnh hưởng xấu đến môi trường. 

Nhiều nông dân ở Hậu Giang đã thực hiện có hiệu quả mô hình xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học thành phân bón hữu cơ phục vụ cho trồng trọt

Cũng theo ông Trần Trung Tính, phân bón hữu cơ được tạo ra từ rơm rạ đã giảm thiểu được lượng phân hóa học, giúp đất tơi xốp, cây phát triển tốt hơn. Do vậy, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến nông dân để giúp bà con hiểu rõ hơn về tác dụng của việc xử lý rơm rạ thành phân bón, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân và bảo vệ được môi trường sống.

Để giải thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ các khu vực lưu chứa bả bùn mía, trong thời gian qua, Nhà máy đường Vị Thanh, Nhà máy đường Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang); Nhà máy đường Sóc Trăng đã phối hợp với một số công ty, doanh nghiệp xử lý bã bùn mía để sản xuất phân bón hữu cơ. 

Ông Đào Trọng Ngữ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh liên kết với một số công ty, doanh nghiệp dùng bả bùn mía phát sinh trong quá trình sản xuất mía để phối trộn thành phân bón hữu cơ. Điều này đã khắc phục được tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí xung quanh khu vực lưu chứa bã bùn mía so với những năm trước đây”.

Lê Hùng