Chia sẻ gánh nặng ngân sách trong bảo vệ môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 11:36, 26/11/2019
TP.HCM: Chuẩn hóa phương tiện thu gom rác thải
TP.HCM đặt kế hoạch giai đoạn 2020 - 2021: 100% các quận nội thành và khuyến khích một số huyện ngoại thành hoàn tất chuyển đổi phương; giai đoạn 2022 - 2025, các huyện ngoại thành còn lại phải chuyển đổi phương tiện để đảm bảo hoàn tất công tác này trên toàn địa bàn thành phố.
Khó khăn lớn nhất trong việc chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải chính là vấn đề kinh phí. Hiện nay, trung bình mỗi phương tiện đạt chuẩn có kinh phí trung bình từ 400 - 600 triệu đồng/xe. Đây là mức kinh phí rất lớn so với năng lực của các đơn vị rác dân lập. Tính đến tháng 9/2019, thành phố mới chuyển đổi được 227/1899 phương tiện (đạt tỷ lệ 12%).
“Quỹ Bảo vệ môi trường - Sở TN&MT TP.HCM đã giải quyết nhu cầu vay vốn nhạnh chóng, thủ tục thông thoáng, đơn giản nhưng vẫn đảm bảo đúng theo các quy định. Mới đây, UBND TP.HCM đã đồng ý cấp thêm vốn cho Quỹ Bảo vệ môi trường để đảm bảo đủ nguồn vốn cho vay chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt” - ông Nguyễn Toàn Thắng Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM nói.
Để hoàn thành kế hoạch chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tài chính hấp dẫn, linh hoạt. Theo đó, Quỹ Bảo vệ môi trường được giao nhiệm vụ tổng hợp và giải ngân vốn vay với chính sách ưu đãi cho các đơn vị có nhu cầu. Theo đó, Quỹ sẽ cho vay 70% giá trị phương tiện, lãi suất 4,27%/năm, thời gian vay được điều chỉnh từ 5 năm lên 7 năm.
Được biết, kết quả thống kê về nhu cầu chuyển đổi phương tiện của 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố có tổng nhu cầu phương tiện dự kiến mua sắm mới khoảng 1.899 phương tiện với tổng số tiền vay khoảng 366 tỷ đồng. Đến nay, Quỹ Bảo vệ môi trường TP.HCM đã duyệt cho vay 39 dự án đầu tư chuyển đổi phương tiện với tổng số tiền trên 17 tỷ đồng và chuẩn bị tiếp tục giải ngân khoảng 15 tỷ đồng. Các đơn vị đã được tiếp cận nguồn vốn vay gồm có: HTX Dân lập Hiệp Phú, HTX Nhơn Phú, HTX Vệ sinh môi trường Tín Nghĩa và một số công ty tư nhân hành nghề thu gom rác.
Giới thiệu mẫu xe thu gom, vận chuyển rác đạt chuẩn tại TP.HCM |
Bình Dương: Quỹ đồng hành cùng doanh nghiệp
Qua 10 năm xây dựng và phát triển, Quỹ Bảo vệ môi trường Bình Dương luôn đồng hành với doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, đóng góp tích cực và hiệu quả vào chiến lược phát triển kinh tế xanh bền vững của tỉnh.
Từ quy mô nguồn vốn pháp định ban đầu là 30 tỷ đồng, đến nay, vốn của Quỹ đã nâng lên 180 tỷ đồng, dự kiến, sẽ tăng lên 200 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Với nguồn vốn trên, trong suốt 10 năm hoạt động, Quỹ luôn kiểm soát tốt các nguồn thu nợ, chưa để xảy ra nợ xấu, không làm thất thoát thâm hụt ngân sách Nhà nước, bảo đảm an toàn vốn và tự chủ về tài chính.
Quỹ đã hỗ trợ tài chính với lãi suất ưu đãi cho hơn 80 dự án đầu tư trong hoạt động bảo vệ môi trường với tổng số tiền cho vay 344 tỷ đồng, gồm: các dự án xử lý nước thải với tổng công suất trên 28.000m3/ngày đêm, các dự án xây dựng và lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, xử lý khí thải, hệ thống xử lý bụi; dự án mua xe thu gom vận chuyển rác thải với tổng công suất ước tính 175 tấn/ngày.
“Quỹ Bảo vệ môi trường Bình Dương, đã xây dựng và công bố áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Quỹ đã điều chỉnh, bổ sung quy chế hoạt động, quy trình thực hiện theo hương tinh giản, rút gọn, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ vay tại Quỹ để tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay bảo vệ môi trường” - bà Đinh Sao Mai Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Bình Dương cho biết.
Từ khi thành lập đến nay, Quỹ Bảo vệ môi trường đã tài trợ trên 800 triệu đồng cho các hoạt động như: tổ chức Chương trình Đổi rác thải lấy quà tặng nhân Ngày Môi trường thế giới 5/6; tặng thùng rác cho khu dân cư, nhà trọ xanh; hỗ trợ truyền thông về phân loại rác tại nguồn...
Thực hiện Thông tư số 38 ngày 30/8/2015 của Bộ TN&MT quy định về ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, Quỹ đôn đốc, hướng dẫn, giám sát các doanh nghiệp ký quỹ theo đúng quy định đối với 54 dự án khai thác khoáng sản của 40 doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 78 tỷ đồng.
Đồng Nai: Cho vay với lãi suất ưu đãi
Năm 2019, Quỹ Bảo vệ môi trường Đồng Nai đã tiếp nhận nguồn vốn bổ sung là hơn 36 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn của Quỹ là hơn 252 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch.
Quỹ đã thực hiện Kế hoạch kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay năm 2019, kiểm tra thông qua hình thức theo dõi, tổng hợp các báo cáo tình hình sử dụng vốn vay của các đơn vị vay vốn và tổ chức kiểm tra thực tế. Trên cơ sở kết quả kiểm tra thực tế và báo cáo của các đơn vị vay vốn, Quỹ báo cáo Hội đồng Quản lý Quỹ và Sở TN&MT Đồng Nai, hoàn thành 100% kế hoạch.
Cùng với đó, Quỹ duyệt cho vay với lãi suất ưu đãi hơn 28 tỷ đồng/9 dự án, nâng tổng từ trước đến nay đã duyệt cho vay hơn 227 tỷ đồng/74 dự án trong hơn 252 tỷ tổng nguồn vốn. Ước đến 31/12/2019, Quỹ sẽ trình duyệt cho vay 40 tỷ đồng/12 dự án. Quỹ đã giải ngân hơn 17 tỷ đồng/11 dự án, nâng tổng từ trước đến nay đã giải ngân hơn 196 tỷ đồng/71 dự án. Ước 31/12/2019 sẽ giải ngân 42 tỷ đồng/14 dự án. Đồng thời, thu hồi nợ gốc gần 25 tỷ đồng/35 dự án, đạt trên 124% kế hoạch, nâng tổng từ trước đến nay, đã thu hồi nợ gốc hơn 146 tỷ đồng/70 dự án.
Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ môi trường Đồng Nai tiếp nhận tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường với số tiền hơn 8 tỷ đồng/36 dự án, đạt 139% kế hoạch, nâng tổng số tiền là hơn 103 tỷ đồng/52 dự án; trong đó đã hoàn trả tiền ký quỹ với tổng số tiền là hơn 2 tỷ đồng/8 dự án, số tiền còn tạm giữ tại Quỹ là hơn 101 tỷ đồng/44 dự án. Ước đến 31/12/2019, Quỹ sẽ tiếp nhận hơn 8 tỷ đồng/36 dự án.
Trong năm 2020, Quỹ Bảo vệ môi trường Đồng Nai ước tiếp nhận nguồn vốn bổ sung là 20 tỷ đồng. Đồng thời, Quỹ sẽ thực hiện các chỉ tiêu của nhiệm vụ hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi như: hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định và cho vay 100% các hồ sơ dự án đủ điều kiện và thuộc đối tượng cho vay; đảm bảo cấp đủ 100% vốn vay theo tiến độ thực hiện của dự án; đảm bảo thu hồi nợ gốc các dự án đến kỳ trả nợ khoảng 18 tỷ đồng.