Phận đời bên mỏ đá
Xã hội - Ngày đăng : 08:32, 23/11/2019
Giữa buổi trưa tháng 11 nắng hừng hực như đổ lữa nhưng khí thế lao động bằng nghề chẻ đá của hàng trăm lao động cạnh tỉnh lộ 943 ( thuộc xã Cô Tô, Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) vẫn nhộn nhịp. Bên cạnh sông Cô Tô là hàng chục chiếc tàu đang “ đợi hàng” để xuất bến đi giao hàng ở khắp ĐBSCL và sang tận vương quốc CamPuChia trong khói bụi mịt mù tràn ngập tỉnh lộ và nhiều nhà dân xung quanh.
Một công đoạn chẻ đá |
Ông Thạch Tul, 60 tuổi, ngụ xã Núi Tô cho biết: “ hồi 20 tuổi tôi làm nghề chẻ đá theo truyền thống gia đình. Nhà nghèo có đất đai gì đâu để sống nên theo nghề nầy thôi. Năm 40 tuổi tôi bị bụi đá bay vào mắt trái.
Hồi đầu tưởng không sao nên cứ mua thuốc nhỏ, sau bệnh quá nặng đi lên Long Xuyên, bác sỹ nói phải múc bỏ con mắt vì không thể cứu được. Sau lần đó, tôi “ giải nghệ” chuyển sáng nghề mua đá tảng, cột đá đi bán khắp nơi nay được 20 năm rồi. Tuy cực nhưng sống ổn”.
Cũng theo lời ông Tul, làng nghề chẻ đá Núi Tô đã có hàng chục người bị hư mắt vì sạn đá vôi bay vào; một số khác bị máy cắt đá gây thương tật, nhẹ nhất cũng bị suy hô hấp vì bụi đá bám đầy phổi nhưng số người bỏ nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi mức thu nhập từ nghề nầy khá cao.
Anh Võ Văn Tiên, ngụ tỉnh Đồng Tháp sang đây hành nghề đã 22 năm kể: “ mỗi ngày lao động tôi được chủ cơ sở trả tiền công từ 350.000 đến 400.000 đồng tùy thuộc số lượng sản phẩm làm ra. Số tiền đã giúp tôi nuôi con 2 đứa con ăn học tới nơi. Thấy có tiền chớ chết như chơi vì bệnh phổi, bệnh mắt, ù tai, đó là chưa kể tai nạn lao động bất thường lắm. Biết vậy nhưng bỏ nghề thì lấy gì mà sống. Thôi thì tới đâu hay đó”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đại đa số người lao động tại đây đều là người Chăm, Khmer nghèo không đất đai sản xuất. Đáng lo ngại là không một ai được chủ cơ sở mua bảo hiểm y tế, BHXH, BH tai nạn lao động với lý do họ chỉ là lao động thời vụ nhưng trên thực tế họ là lao động dài hạn với công việc, có người đã theo nghề từ 30 đến 40 năm.
Nhiều thợ chẻ đá cho biết: dù hiện nay nhiều máy móc hiện đại có thể cắt đá dễ dàng thay cho sức người nhưng giá của những lưỡi cắt khá đắt lại dễ gãy khi gặp đá cứng nên họ ít khi dùng đến. Một nguyên nhân rất lạ nhưng hoàn toàn có thật là xu hướng người mua lại rất thích mua những tảng đá trang trí, những bộ cột đá vôi có đường cắt chênh vênh không thẳng hàng, và cứ như thế những sản phẩm phải được chẻ, đục, đẻo bằng phương pháp thủ công chẻ, đục bằng đục sắt ( còn gọi là nêm sắt) lại bán rất nhanh.
Công trường chẻ đá |
Anh Chau Có, 45 tuổi kể thêm: đá tảng nguyên liệu được chủ cơ sở mua từ núi Cô Tô mang ra các bãi ven sông. Đầu tiên phải chẻ chúng bằng các lưỡi cưa máy cho nhỏ ra, sau đó tiến hành đục, chẻ bằng nêm sắt theo kích thước đã đặt ra. Muốn có nhiều tiền, người lao động cần có sức khỏe, độ bền, sự khéo léo và phải cảnh giác cao với bụi đá, sạn đá. Hầu hết công nhân ở đây đều không mang khẩu trang và kính bảo hộ vì hạn chế đến tiến độ lao động và tầm quan sát các đường chẻ, đục. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều người bị tai nạn về mắt và bệnh hô hấp.
Anh Có còn kể thêm: chủ cơ sở cũng rất khắt khe với qui định; nếu mình lỡ tay đục bể một viên đá, một cây cột đá thì sẽ bị trừ từ 150 đến 200.000 đồng. Mỗi thanh đá thường có kích thước mỗi cạnh ngang từ 15 cm đến 1 mét; chiều dài từ 20 cm đến 1,5 mét. Các cột đá thường có chiều cao từ 1,5 đến 2 mét, 4 cạnh bằng nhau và thường là 10 cm. Khó khăn nhất là đoạn tách đá từ khối lớn ra dạng cột; người làm phải chêm vào từ 10 đến 12 cây nêm sắt rồi bắt đầu tách cột; sau đó là phần gia cố các cạnh. Đá vôi núi Cô Tô có độ cứng rất cao nên được nhiều thương lái đặt hàng. Do đá cứng nên công việc của những người thợ đá cũng rất vất vã.
Không chỉ đội quân đàn ông tham gia công việc mà tại đây cũng có hơn 50 lao động nữ chuyên làm khâu bốc xếp đá, cột hoàn chỉnh xuống ghe tàu chuyển đi hay sắp xếp lại những sản phẩm ngổn ngang trên đại công trường. Mỗi lao động nữ thường được trả tiền công từ 150.000 đến 180.000 đồng/người/ngày. Đa phần lao động nữ đều có chồng, con đang hành nghề tại đây. Những gia đình ở xa phải cất những nhà lá tạm bợ cạnh nơi làm để sinh sống hàng ngày.
Khó khăn là vậy, nguy hiểm là vậy nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi, chưa một lao động nào có ý định chuyển nghề. Có lẽ họ không còn sự lựa chọn nào khác dù đang phải đương đầu với bao bệnh tật, tại nạn chực chờ nhưng vì chuyện cơm, áo, gạo, tiền họ vẫn chấp nhận một cuộc mạo hiểm từng ngày, từng giờ.