Khai mạc hoạt động văn hóa chào mừng ngày Di sản Việt Nam

Văn hóa - Ngày đăng : 04:44, 23/11/2019

(TN&MT) - Nhân kỷ niệm 14 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị và cá nhân tổ chức khai mạc hoạt động văn hóa chào mừng. Đây là một trong những chương trình ý nghĩa góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị Di sản dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Nghệ nhân làng nghề Phùng Xá, huyện Mỹ Đức chia sẻ về dệt lụa

Ông Đinh Hồng Phong – Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Năm 2005 Chính phủ đã quyết định lấy ngày 23/11 hàng năm là ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Nhân ngày lễ truyền thống này, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị và cá nhân tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng mang chủ đề “Tiếng tơ” tại nhiều điểm di tích do Ban quản lý nhằm giới thiệu và tôn vinh nghề truyền thống, tôn vinh nghệ nhân và giới thiệu các kỹ thuật mới của nghề tơ lụa truyền thống.

Chương trình “Tiếng tơ” là một chuỗi các hoạt động văn hóa đa dạng, ý nghĩa, bao gồm các hoạt động trưng bày giới thiệu nghề dệt lụa truyền thống, trình diễn thời trang... Đặc biệt, trong chuỗi hoạt động sẽ diễn ra Lễ công bố Bằng xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Thành phố của Đình Trương Thị - 50 Hàng Bạc vào 9h00 sáng ngày 23/11 tại đình Kim Ngân 42-44 Hàng Bạc.

Tơ tằm là chất liệu quý được phát minh ở Á Châu. Từ nhiều ngàn năm trước, việc giao thương chất liệu này đã khai sinh ra những con đường xuyên lục địa huyền thoại, những con đường tơ lụa trên bộ và trên biển.

Những thương cảng của đất Giao Châu vào những thế kỷ đầu công nguyên, rồi Kinh Kỳ - Phố Hiến thế kỷ 17 – 18 đã là những cửa ngõ của con đường tơ lụa hàng hải. Trong Khu Phố cổ Hà Nội thì Phố Hàng Đào đầu thế kỷ XX là một trung tâm truyền thống lâu đời của nghề cổ và hiện nay phố Hàng Gai với các cửa hàng kinh doanh tơ lụa sầm uất.

Ông Đinh Hồng Phong – Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm nói về chuỗi các hoạt động văn hóa nhân ngày Di sản Việt Nam

Bảo tồn vốn nghề truyền thống, sáng tạo những giá trị mới từ vốn cổ để đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại là những tín hiệu đáng mừng để khẳng định cho sức sống mạnh mẽ của di sản văn hóa Việt Nam,

Bà Trần Thị Thúy Lan – Phó Trưởng ban quản lý Phố cổ Hà Nội chia sẻ: quận Hoàn Kiếm gắn liền với truyền thống lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là khu Phố cổ Hà Nội được công nhận là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.

Trong những năm vừa qua, nhân dân trong quận luôn quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhiều di sản văn hoá vật thể, phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị, công tác xã hội hoá được tăng cường và thu hút được đông đảo các tổ chức và cá nhân chung tay tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

thời gian qua, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tổ chức nhiều sự kiện văn hóa thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội, vừa tôn vinh được các giá trị di sản vật thể và phi vật thể, vừa tạo sự hấp dẫn đối với một khu Phố cổ sầm uất, năng động, sáng tạo, hội nhập và phát triển, tăng cường hợp tác giao lưu với các tổ chức quốc tế.

Bà Phan Thị Thuận – Nghệ nhân Ưu tú dệt lụa Phùng Xá đã có hơn 40 năm làm nghề

Tất cả các hoạt động nói trên đều nhằm mục đích bảo tồn các giá trị di sản, quảng bá giá trị nghề truyền thống, tôn vinh các nghệ nhân, thợ thủ công; Thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh Khu Phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; Đồng thời tăng cường hợp tác giao lưu giữa các địa phương, các tổ chức cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa;

Đây cũng là hoạt động nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Bà Phan Thị Thuận – Nghệ nhân Ưu tú nghề dệt lụa tại Thôn Hạ, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức cho biết: Sinh ra trong cái nôi làm nghề canh cử và là đời thứ 3 trong gia đình truyền thống theo nghề Dệt của làng. Việc đến với nghề như một cơ duyên và thấm sâu vào tâm hồn từ khi còn nhỏ. Từ lúc 6 tuổi, đã đi hái dâu nuôi tằm và cho đến nay, chưa có ngày nào rời xa nong tằm, nong kén.

Các đại biểu cùng với đông đảo nhân dân Thủ đô bên các con tằm của làng nghề Phùng Xá

Hơn 40 năm trăn trở với nghề, bà Thuận đã nghiên cứu tìm ra phương pháp dệt lụa mới bằng cách biến con tằm thành những người thợ. Năm 2012, phương pháp dệt mới và sản phẩm Chăn tơ do tằm tự dệt chính thức được ra mắt. Đến nay các sản phẩm từ làng nghê đã được người tiêu dùng đón nhận cả thị trường trong và ngoài nước.

Không dừng lại ở đó, bà Thuận ấp ủ dự định về một loại tơ mới – là tơ Sen, ở Việt Nam chưa có ai làm, nhưng đã xuất hiện ở Myanmar, ở Campuchia, ở Nhật,… bà Thuận tin mình cũng làm được. Sau 2 năm vừa nghiên cứu vừa thử nghiệm, năm 2017, bà Thuận đã làm ra những chiếc khănquàng cổ đầu tiên được sản xuất từ sợi tơ của sen.

Huy An