Thảm họa thiên tai gia tăng cuộc sống đói nghèo ở Lào Cai

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:00, 15/11/2019

(TN&MT) - Biến đổi thời tiết gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như: lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đã tàn phá nghiêm trọng tài sản của người dân. Đồng thời ảnh hưởng đến kinh tế và là nguy cơ gia tăng đói nghèo ở các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai.

Những con số biết nói

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Lào Cai, trong nhiều năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều đợt giông lốc, mưa đá, lũ quét, sạt lở làm thiệt hại rất nhiều tài sản và hoa màu của người dân.

Cụ thể: từ 2008 - 7/2018, thiên tai đã làm chết 217 người, mất tích 8 người, bị thương 227 người; đồng thời làm 40.000 nhà bị đổ, sập hư hỏng, 2.300 hạ tầng khác bị hư hỏng, ước thiệt hại khoảng 4.624 tỷ đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh thường xuyên thiên tai bão lũ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của người dân.

Thời tiết cực đoan gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đã tàn phá nghiêm trọng tài sản người dân.

Chúng tôi không thể nào quên trận lũ lịch sử năm 2018 tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên( Lào Cai). Sau trận lũ, trước mắt chúng tôi là khung cảnh bản làng ngổn ngang, đường vào khu dân cư sau chợ Nghĩa Đô vẫn ngập ngụa bùn đất. Những khóm tre to, cây cổ thụ hơn một người ôm cũng bị lũ đánh bật gốc từ thượng nguồn suối Nghĩa Đô cuốn trôi về đây, dạt vào khu chợ và khu dân cư với những ngôi nhà chỉ còn trơ lại nền xi măng hoặc bị sập đổ, xiêu vẹo.

Nếu không trực tiếp đến nơi này, có lẽ chúng tôi không thể hình dung nổi sức tàn phá khủng khiếp của cơn lũ dữ đối với vùng đất Nghĩa Đô. Bên ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, chỉ còn trơ lại duy nhất ống khói bếp, ánh mắt bà Hoàng Thị Tâm, thôn Nà Đình vẫn chưa hết bàng hoàng: “Cơn lũ ập về nhanh quá. Lúc đó khoảng hơn 6 giờ sáng, tôi đang ở bên nhà đứa cháu nhìn thấy dòng nước đục ngầu tràn về chỉ vài phút sau đã ngập lút mái nhà. Chồng tôi cùng các con cháu không chạy kịp đều bị lũ cuốn đi hàng chục mét may mắn mắc lại đoạn tường bê tông ở chợ nên mới thoát chết.

Trận lũ lịch sử ấy đã làm gần 200 ha hoa mầu bị vùi lấp, 87 ngôi nhà bị cuốn trôi và hư hỏng. Nghĩa Đô vẫn còn hàng 100 hộ nghèo, năm 2018 Nghĩa Đô chẳng những không giảm được hộ nào mà số hộ nghèo sẽ tăng lên. Lúa mất hết rồi, ruộng bị cát lấp không biết sẽ khôi phục sản xuất ra sao, bà con lấy gì để sống? Đó là chia sẻ của ông Hoàng Văn Khởi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nghĩa Đô.

Người dân chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những thảm họa do thiên tai gây ra.

Cách đây 4 năm gia đình Chị Đinh Thị Tới và anh Hồ Văn Quy (Bát Xát, Lào Cai) đã phải chịu nỗi đau lớn do thiên tai gây ra, chỉ trong một đêm anh chị đã mất 3 đứa con. Dù đã 4 năm trôi qua nhưng vợ chồng anh không thể quên được nỗi đau mà mình phải gánh chịu, chỉ trong một tích tắc cả 3 đứa con thơ dại của vợ chồng anh Quy vĩnh viễn rời xa bố mẹ, mưa lũ ấp đến quá nhanh, quá mạnh khiến vợ chồng anh Quy nhìn thấy con chết mà không làm gì được. Ông Trời không công bằng với chúng tôi khi một lúc lấy đi của tôi cả 3 đứa con thơ. Từ khi mất con chúng tôi không con thiết sống nữa. Ai đã gặp vợ chồng anh Quy thì mới biết đến nỗi đau mà anh chị phải chịu do cơn giận giữ của thiên nhiên nó khốc liệt đến mức nào. Sau trận lũ ấy gia đình anh chị không những mất con mà còn rơi vào cảnh nghèo khó do ngôi nhà anh chị ở cũng hư hỏng, phải mất nhiều năm và vay mượn khắp nơi anh chị mới dựng lại được ngôi nhà để có chỗ ở ổn định.

Sự giận dữ của thiên nhiên gia tăng nguy cơ đói nghèo

Theo thống kê từ cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai trong 10 năm thiên tai đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Tổng thiệt hại mà thiên tai gây ra là khoảng 4.624 tỷ đồng. Cùng với đó tính tới hết năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lào Cai vẫn còn 21%. Mức chênh lệch giữa hộ mới thoát nghèo với hộ cận nghèo, giữa hộ cận nghèo với hộ nghèo là rất mong manh, nhất là đối với những hộ cận nghèo. Chỉ cần một biến cố nhỏ hay một mất mát, thiệt hại, rủi ro dù không lớn cũng đủ làm cho hộ cận nghèo có nguy cơ quay trở lại thành hộ nghèo (tái nghèo)

Các huyện của tỉnh Lào Cai đa số là vùng núi, dân tộc thiểu số, mưa úng nhiều ngày làm đất đá, đồi núi sạt lở gây sập đổ nhà cửa, chết người và gia súc, gia cầm, vùi lấp đất nông nghiệp, ngã đổ cây lâm nghiệp, hư hỏng cơ sở hạ tầng. Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở những vùng này đều có tài sản rất hạn chế, chỉ đủ duy trì và đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, nay do tác động của mưa lũ nên nguy cơ tái nghèo rất cao.

Ông Quảng Văn Việt, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lào Cai cho biết: hộ nghèo với hộ cận nghèo có một danh giới rất mong manh, chỉ cần một thảm họa thiên tai ập tới là hộ cận nghèo lại quay về hộ nghèo và phải rất lâu mới có thể thoát khỏi hộ nghèo. Do đó, để thiên tai ảnh hưởng tới cuộc sống của bà con ở mức tối thiểu, từ đầu mùa mưa các năm, tỉnh Lào Cai đều ban hành Công điện để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai. Các đơn vị, địa phương cấp dưới tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ mà có phương án cụ thể để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Khi địa phương nào xảy ra thiệt hại về người, tài sản do thiên tai thì Ban PCTT&TKCN tỉnh, huyện đều phối hợp với các xã đến hỗ trợ, động viên, chia sẻ, huy động lực lượng tại chỗ giúp các hộ gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống”.

Sự giận dữ của thiên nhiên gia tăng nguy cơ đói nghèo tại các huyện vùng cao của Lào Cai.

Mặc dù Lào Cai chưa có số liệu thống kê về tỷ lệ đói nghèo gia tăng do biến đổi khí hậu nhưng sau mỗi hiện tượng thiên tai tiêu cực như đợt mưa lớn, gió lốc đi qua để lại hậu quả nặng nề, ước tính giá trị thiệt hại lên đến cả tỷ đồng. Thiên tai là bất khả kháng, nhưng nếu chúng ta nâng cao tính chủ động ứng phó thì sẽ giúp giảm nhẹ được thiệt hại do thiên tai gây ra. Giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai, cũng chính là góp phần hạn chế tác động tiêu cực đến thành quả của công tác xóa đói giảm nghèo. Một trong những yếu tố giúp tăng tính chủ động trong công tác xóa đói giảm nghèo là cần sớm bố trí đầy đủ nguồn vốn cho các Chương trình Mục tiêu xóa đói giảm nghèo theo đúng kế hoạch; giảm bớt các khâu, các thủ tục hành chính để dòng vốn đến được người dân nghèo một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Bích Hợp