Mong ngóng từ vùng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh): Bài 2- Cần tháo gỡ “rào cản” vùng quy hoạch

Xã hội - Ngày đăng : 09:50, 15/11/2019

(TN&MT) - Không được cấp đất ở, thiếu đất sản xuất, công trình phúc lợi bỏ lửng là một trông rất nhiều vấn đề bức bách mà người dân vùng mỏ sắt Thạch Khê đang phải đối mặt. Lý do vướng vùng quy hoạch tiếp tục “trói buộc” những hộ dân thuộc diện di dời nhưng chưa được thực hiện vào tình cảnh “sống thật, làm tạm”, vốn đã đeo bám gần mười năm nay.

Sống thật, làm tạm

Tính đến thời điểm hiện nay dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã triển khai hơn mười năm. Tuy nhiên, theo ghi nhận thời gian gần đây đã không còn thấy bóng dáng công nhân trên công trường. Việc dự án đã “án binh bất động”, kèm theo đó là những hố nước sâu nham nhở và những bãi đất hoang hóa do quá trình khai thác đã đẩy cuộc sống của những người dân thuộc diện chờ di dời lâm vào hoàn cảnh “sống dở, chết dở”.

Nhà máy nước sạch tập trung đầu tư từ nguồn phúc lợi được thực hiện bởi dự án mỏ sắt Thạch Khê , mới thi công phần hồ tích nước trên diện tích 6 héc ta đã bỏ lửng, gây mất an toàn cho người dân 

Đất sản xuất đã có quyết định thu hồi và nhận tiền bồi thường nhưng nhiều hộ dân ở xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà chưa thể bàn giao đến nơi ở mới. Bởi lẽ, nhà cửa nằm trong diện giải tỏa vẫn thiếu tiền bồi thường nên không biết đi đâu về đâu.

Theo ông Lưu Xuân Đồng- Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, phần lớn người dân trong xã bị ảnh hưởng mới chỉ được bồi thường đất sản xuất, cây cối còn nhà cửa thì chưa, đáng chú ý nhất là 50 hộ dân nằm ở khu vực moong thuộc diện gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn vẫn đang phải chờ đợi.

Được biết, năm 2008, khi dự án tiến hành khai thác thử nghiệm công nghệ thì xã Thạch Khê mới có 7 hộ chịu ảnh hưởng với diện tích đất thu hồi là 44,05 héc ta. Đến năm 2010, diện tích thu hồi trong toàn xã Thạch khê là 105, 52 hec ta, trong đó 96 héc ta để thực hiện mở rộng moong mỏ. Theo đó, số hộ dân chịu ảnh hưởng lên đến 367 hộ, thuộc các thôn Đan Khê, Phúc Lan, Tây Hồ, Tân Phúc, Long Tiến.

Khi dự án tạm dừng khai thác, các chính sách bồi thường cũng bị đình trệ đã đẩy người dân rơi vào tình cảnh “sống thật, làm tạm”. Không còn đất sản xuất nhưng vẫn phải bám trụ nơi ở cũ, tiền bồi thường chưa kịp chuyển đổi nghề nghiệp đã phải sử dụng chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày, cạn dần trong tình cảnh phải ngồi chờ đến nơi ở mới.

Câu chuyện về đời sống của người dân vùng mỏ sắt Thạch Khê đang trở thành vấn đề khó giải quyết đối với chính quyền các cấp tại Hà Tĩnh. Chủ tịch UBND xã Thạch Hải Nguyễn Hải Lý phát biểu nghẹn ngào trong lần gặp lãnh đạo trung ương về thăm: “Cái cần nhất của xã để bà con sinh hoạt là nhà văn hóa mà cũng không có nỗi. Cơ sở cũ chật hẹp, xuống cấp nhưng không được xây mới, mở rộng do nằm trong quy hoạch giải tỏa. Có những cuộc họp tổ chức không đủ chổ, người dự họp phải ngồi ngoài lắng nghe ”.

“Sống trong chờ đợi gần mười năm, không được cấp đất ở, nhiều hộ có con cái lập gia đình, sinh con đã phải chen nhau trong căn nhà chật hẹp, tạm bợ chờ đến lượt di dời. Mặc dù thiếu thốn nhưng người dân vẫn ý thức chấp hành chủ trương, không ai vi phạm xây dựng công trình kiên cố trên đất đã được quy hoạch khai thác mỏ”, ông Bùi Đình Lâm- Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hải nói.

Được biết, lộ trình dự án, đến năm 2017, toàn bộ diện tích đất của xã Thạch Hải phải được giải tỏa, bàn giao lại cho dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Theo đó, hơn 1000 hộ dân sẽ được bồi thường, nhận đất tái định cư trên tổng diện tích 54 héc ta ở Quỳnh Viên, vậy nhưng, đến nay chính sách vẫn án binh bất động.

Công trình Nhà Văn hóa được đầu tư với số vốn gần 5 tỷ đồng, hiện công trình đang được triển khai thi công

Thực trạng trên cũng là bức bách của của các xã còn lại, gồm: Thạch Trị, Thạch Đỉnh, Thạch Bàn và Thạch Lạc nằm trong vùng quy hoạch của mỏ sắt Thạch Khê. Chứng kiến cảnh “đi không được, ở không xong”, người dân khẩn thiết cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp để kịp thời tháo gỡ.

Bao giờ được “gỡ trói”…?

Thành quả xây dựng NTM tại Hà Tĩnh thời gian qua được đánh giá rất cao nhờ kết quả nổi bật, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao nhưng với  sáu xã nằm trong vùng quy hoạch mỏ sắt vẫn đang vật lộn với cảnh “ăn thật, làm tạm”. Không được cấp đất ở, thiếu đất sản xuất, công trình phúc lợi bỏ lững là một trông rất nhiều vấn đề bức bách mà người dân nơi đây đang phải đối mặt

Dự án khu quy hoạch nghĩa trang tập trung được đầu tư từ nguồn phúc lợi của dự án mỏ sắt Thạch Khê, trên diện tích 7 héc ta tại xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà mặc dù gần hoàn thành nhưng đang phải đóng cửa

Báo cáo của chính quyền xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà cho hay, xã có ba thôn với 100% hộ chịu ảnh hưởng do nằm trong quy hoạch mỏ sắt, gồm: Đại Tiến, Hồng Dinh, Đồng Khánh và một số thôn còn lại nằm ở vành đai của mỏ. Do vướng quy hoạch nên việc cấp đất ở nhiều năm nay không được thực hiện.

Thực hiện lộ trình phấn đấu đưa huyện Thạch Hà đạt chuẩn NTM, năm 2017, chính quyền các cấp mới xem xét “nới lỏng” cho Thạch Trị nói riêng, các xã vùng mỏ sắt nói chung bắt đầu xây dựng. Tuy nhiên, thực tế cũng đang gặp không ít khó khăn đối với các  địa phương này khi triển khai, vì một số vấn đề liên quan đến quy hoạch mỏ chưa được tháo gỡ, nguồn thu ngân sách thiếu thốn.

Ông Nguyễn Công Hường- Chủ tịch UBND xã Thạch Trị chia sẻ: Khi có nguồn đầu tư thì không được phép xây dựng, nay cần xây dựng lại không có nguồn đầu tư, vì thấy vướng quy hoạch nên các doanh nghiệp đều từ chối. Đến nay Thạch Trị mới đạt được 6 tiêu chí NTM theo đánh giá của các Sở. Nhưng đáng bàn nhất, một số tiêu chí liên quan đến công trình phúc lợi được đầu tư của mỏ sắt vẫn chưa bàn giao”.

Cụ thể, dự án nghĩa trang Đồng Trằm Trị nằm trên diện tích gần 7 héc ta ở thôn Đông Khánh, xã Thạch Trị do Công ty mỏ sắt Thạch Khê đâù tư, với ý tưởng khu quy hoạch tập giành cho các xã Thạch Văn, Thạch Trị gần hoàn thành nhưng đã để treo nhiều năm nay. Theo chính quyền địa phương nếu đưa vào hoạt động mới đóng cửa được các nghĩa trang khác không nằm trong quy hoạch NTM.

Ngoài ra, công trình cấp nước sạch tập trung trên diện tích 6 héc ta ở thôn Trần Phú, xã Thạch Trị được đầu tư bằng nguồn phúc lợi của dự án mỏ sắt cũng đang bỏ dở, hiện mới thi công phần hồ chứa. Mặc dù không nằm trong vành đai mỏ sắt nhưng khi thực hiện dự án, lựa chọn địa đểm để xây dựng nhà máy thì đây được xem là công trình trọng điểm, dự kiến khi hoàn thành sẽ đáp ứng được nguồn nước sinh hoạt cho người dân một số vùng chịu ảnh hưởng của mỏ sắt Thạch Khê.

Theo ông Nguyễn Công Hường nếu tập trung giải quyết sẽ sớm đưa vào hoạt động những công trình phúc lợi này. Tuy nhiên, cũng vì lý do liên quan đến dự án mỏ sắt Thạch Khê mà chính quyền xã đành bó tay, vượt tầm xử lý nên tiêu chí môi trường khó mà đạt được.

Chủ tịch UBND xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) Nguyễn Công Hường cho biết: Vấn đề môi trường đang là nhiệm vụ đặt ra khó giải quyết đối với địa phương do những hệ lụy mà dự án khai thác mỏ sắt đang để lại

Được biết, năm 2018, chính quyền xã Thạch Trị cũng như các xã có liên quan của huyện Thạch Hà đã khảo sát lấy ý kiến người dân và nhận được đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê, lý do nếu tiếp tục khai thác sẽ tác động xấu đến môi trường sinh thái, gây ô nhiễm môi trường.

Người dân đề nghị cấp trên phải có thông báo sớm về dự án  khai thác mỏ sắt Thạch Khê thực hiện hay không để chủ động trong phát triển kinh tế. Bên cạnh, tập trung giải quyết các hệ lụy do mỏ sắt gây ra đang được chờ đợi cùng với những quyết sách đúng đắn từ các cơ quan có thẩm quyền, sẽ dần phục hồi cuộc sống nếu người dân sớm được “cởi trói” khỏi sự ràng buộc của quy hoạch mỏ lâu nay.

 

 

Đức Cảnh