Vĩnh Phúc đưa chiến lược phát triển du lịch trở thành mũi nhọn

Du lịch - Ngày đăng : 09:44, 14/11/2019

(TN&MT) - Gần đây, ngành “công nghiệp không khói” giúp tỉnh Vĩnh Phúc có bước chuyển mình mạnh mẽ. Sự thay đổi, phát triển của những điểm du lịch trọng điểm đã trở thành “đòn bẩy”, tạo nên những “cú hích” làm thay đổi bức tranh ngành du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc.

Tiềm năng phát triển du lịch

Thời gian qua, du khách đến với tỉnh Vĩnh Phúc không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi ngoạn mục về diện mạo, cảnh quan, cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

Nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa vùng Đồng bằng sông Hồng với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Vĩnh Phúc nhiều cảnh quan hấp dẫn như: dãy Tam Đảo, nơi có Khu du lịch Tam Đảo - điểm nghỉ dưỡng lý tưởng dành cho du khách…

Nhờ những thuận lợi về vị trí địa lý, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung vào quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng cao phù hợp địa hình, cảnh quan cũng như văn hóa địa phương... điển hình là Khu Du lịch Tam Ðảo I.

 Thị trấn Tam Đảo là trung tâm cung cấp dịch vụ lưu trú, nghỉ ngơi, dịch vụ thương mại, trung tâm thông tin của cả vùng du lịch Tam Ðảo - Ðại Lải - Tây Thiên. Đồng thời, đây cũng là nơi giữ vai trò một trong hai cửa ngõ chính đến những điểm du lịch mới trong tương lai.

Khu du lịch Tam Đảo ngày càng hấp dẫn du khách đến tham quan

Theo thống kê quý I/2019, lượng khách du lịch đến với Tam Đảo đạt hơn 91.000 lượt người (tăng 41,5% so với cùng kỳ năm ngoái) trong đó, khách du lịch nước ngoài đạt hơn 33.000 lượt lưu trú qua đêm. Doanh thu trong quý ước đạt 28 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2018. Với phương châm nâng cao chất lượng dịch vụ, hiện khu du lịch Tam Đảo có 125 cơ sở lưu trú, với gần 2400 phòng, trong đó, có 50 khách sạn, 27 homestay, villa và 48 nhà nghỉ.

Sức hấp dẫn của những điểm du lịch nghỉ dưỡng tại Vĩnh Phúc đã thu hút ngày càng nhiều khách mỗi năm. Năm 2018, địa phương đón khoảng 5,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 15% so năm 2017. Trong đó, có hơn 40.000 lượt khách quốc tế; doanh thu từ du lịch ước đạt 1.670 tỷ đồng, tăng 11% so năm 2017.

Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh Vĩnh Phúc ước đón 4,6 triệu lượt khách du lịch, tăng 17% so cùng kỳ 2018; trong đó, có khoảng 39.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 1.380 tỷ đồng, vượt 15% so cùng kỳ năm 2018.

Định hướng chiến lược cho ngành du lịch

Trong Chiến lược phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với vui chơi giải trí cùng với du lịch văn hóa, tâm linh và du lịch dịch vụ phục vụ hội thảo, kết hợp tham quan, học tập kinh nghiệm được xác định là 3 trụ cột chính tạo động lực cho sự phát triển bền vững du lịch của tỉnh. Chủ trương của tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay là đẩy mạnh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược xây dựng mới các khu dịch vụ phức hợp, dự án du lịch quy mô nhằm tạo sức lan tỏa.

Khu du lịch hồ Đại Lải

Vĩnh Phúc đang phấn đấu đến năm 2020 trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước. Trong đó, tập trung phát triển dịch vụ, du lịch bền vững, hội nhập khu vực và quốc tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái… Với những chính sách mở cửa thu hút nhà đầu tư, 9 tháng năm nay, những dòng vốn khổng lồ liên tục đổ về cùng với các nhà đầu tư tiềm năng đã đưa ngành du lịch của tỉnh lên một tầm cao mới; nâng cao giá trị và cơ hội để đưa tỉnh trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế.

Để tập trung xây dựng thương hiệu trong ngành "công nghiệp không khói", tỉnh Vĩnh Phúc đã có những quy hoạch tổng thể, chi tiết phát triển du lịch trên địa bàn. Từ đó, xây dựng kế hoạch đầu tư các dự án cho từng thời kỳ, tạo cơ sở để thu hút, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư vào các khu, điểm du lịch của huyện như: Khu du lịch Tam Đảo I, hồ Làng Hà, hồ Đại Lải, hồ Xạ Hương, khu vực Tây Thiên và Đạo Trù…

PV