Bước chuyển tiêu chí môi trường tại Điện Biên

Môi trường - Ngày đăng : 11:40, 12/11/2019

(TN&MT) - Cùng với sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí số 17 về môi trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có những chuyển biến tích cực. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn luôn được cấp chính quyền và người dân quan tâm chú trọng.

Triển khai thực hiện tiêu chí môi trường trước nhiều thách thức, đến thời điểm hiện tại, số hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có 34/116 xã đật tiêu chí môi trường (chiếm 29,31%) tăng 29 xã so với năm 2015.

Dù xuất phát điểm thấp, là huyện nghèo, nhưng diện mạo NTM huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đang từng bước thay đổi bởi cách làm, tư duy mới. Một trong những tiêu chí được huyện Mường Ảng quan tâm đẩy mạnh thực hiện là tiêu chí số 17 về môi trường. Phong trào giữ gìn, phát triển cảnh quan môi trường ngày càng được quan tâm; chất thải, nước thải tại các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất cơ bản được thu gom, xử lý ngày càng đảm bảo vệ sinh; đặc biệt việc tổ chức, lan tỏa cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào “Ngày thứ 7 Xanh”…

Người dân chủ động xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh trong chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Mường Ảng cho biết: Đẩy mạnh thực hiện tiêu chí môi trường, các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cơ bản đã được đầu tư xây dựng. Tính đến nay, tổng số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 91%, tổng số hộ có nhà tắm, nhà tiêu và bể nước hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt 43,5%; số hộ chăn nuôi gia súc có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 65,3%... Tuy vậy, đến nay, huyện Mường Ảng mới có 1/9 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm.

Người dân xã Núa Ngam,  huyện Điện Biên  dọn dẹp vệ sinh môi trường

Thực tế, tiêu chí số 17 vẫn là một trong những tiêu chí khó thực hiện, nhất là tại các xã vùng đặc biệt khó khăn. Quy định về chất thải, nước thải theo quy định cũng không dễ triển khai vì tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống rải rác, thói quen không sử dụng nhà vệ sinh còn phổ biến. Bên cạnh đó, các công trình nước sinh hoạt phục vụ đời sống cho nhân dân tuy đã được quan tâm đầu tư song chủ yếu là các công trình tự chảy, mới chỉ đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho nhân dân…

Tiêu chí số 17 vẫn là một trong những tiêu chí khó thực hiện, nhất là tại các huyện vùng cao tỉnh Điện Biên

Đẩy mạnh thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường, thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ tập trung rà soát, kiểm tra đánh giá những thuận lợi khó khăn trong quá trình thực hiện của từng xã, từ đó, đưa ra đề xuất, xác định lộ trình, hướng dẫn phù hợp giải pháp thực hiện để triển khai hiệu quả các nội dung trong tiêu chí số 17. Theo đó, sẽ tập trung vào các nội dung bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề; cảnh quang, môi trường nông thôn; mai táng phù hợp; công tác thu gom xử láy chất thải rắn và nước thải khu dân cư, khu sản xuất - kinh doanh, tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại.

Đến nay, tỉnh Điện Biên đã có 34 xã đạt tiêu chí số 17

Để tạo được chuyển biến tích cực trong công cuộc xây dựng NTM, nhất là thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường, cần sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị tỉnh Điện Biên, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, đồng thuận trong xây dựng và bảo vệ môi trường nông thôn.

Các chỉ tiêu của tiêu chí số 17 đã có những cải thiện: Tổng số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 421.855 người (chiếm tỷ lệ 81,97%), tăng 21,31% so với năm 2011; có 86 xã có cơ swor sản xuất kinh doanh nuôi trồng thủy sản đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; có 83 xã đạt tiêu chỉ tiêu mai táng phí; 53 xã đạt chỉ tiêu chất thải rắn và nước thải khu dân cư tập trung được thu gom, xử lý; 34 xã đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường...

 

Bài và ảnh: Hà Thuận