Đông Nam Bộ trước áp lực an ninh nguồn nước: Gia tăng nguồn thải

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 11:38, 12/11/2019

(TN&MT) Cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh về kinh tế, vùng Đông Nam Bộ phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt.

Tỉnh Tây Ninh hiện có 6 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động. Các KCN này đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt Quy chuẩn quy định (QCVN 40:2011/BTNMT cột A) trước khi xả ra môi trường, lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và đang hoàn chỉnh để kết nối dữ liệu về Sở TN&MT.

Sở TN&MT Tây Ninh cho biết, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các địa phương tập trung quản lý nguồn thải lớn ở các lưu vực sông. Đồng thời, chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương yêu cầu các KCN xả nước thải ra môi trường phải xử lý đạt cột A. Đến nay, tỉnh Tây Ninh không cấp phép xả nước thải trực tiếp vào nguồn nước hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 13 KCN, trong đó, có 2 KCN đang thực hiện công tác đầu tư hạ tầng, chưa phát sinh nước thải. 10 KCN còn lại đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và được cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước theo quy định. Chỉ còn KCN Cái Mép đang hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung nên chưa có cơ sở xem xét cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước.

Hồ Đá Đen - một trong những nguồn cung cấp nước phục vụ sinh hoạt chính cho người dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt năm 2019 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, chỉ số chất lượng nước của các hồ cấp nước đều đạt mục đích cấp nước sinh hoạt. Các hồ không trực tiếp cấp nước sinh hoạt một số thời điểm có chỉ số chất lượng nước thấp chủ yếu do vi sinh vượt chuẩn và chất rắn lơ lửng TSS độ đục cao do mưa.

Theo Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu, đối với nước thải công nghiệp, mặc dù, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát chất lượng nước thải trước khi thải ra môi trường, song thực tế, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chưa thực hiện xử lý hoặc xử lý hình thức, đối phó gây ô nhiễm môi trường nguồn nước tiếp nhận như hiện nay.

Còn tại TP.HCM, hiện nay, 100% người dân thành phố đã được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch. Song, nguồn nước thô của thành phố được khai thác từ hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đang chịu nhiều áp lực bởi các hoạt động kinh tế - xã hội, khó kiểm soát được chất lượng nước. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước thô cung cấp cho thành phố.

Được biết, UBND TP.HCM vừa chỉ đạo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cùng Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT gấp rút xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn và an ninh nguồn nước cho thành phố, hoàn tất trước ngày 10/11. Ngoài ra, các đơn vị này phải tổ chức quan trắc, kiểm soát ô nhiễm chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, kênh Đông. Qua đó, đề ra giải pháp ngăn chặn xả thải gây ô nhiễm nguồn nước từ các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư trên địa bàn.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 32 KCN được thành lập, trong đó, có 31/32 KCN đi vào hoạt động về cơ bản đã xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường, với tổng lượng nước thải phát sinh khoảng 120.358m3/ngày, trong đó, có 1.223/1.267 dự án đã thực hiện đấu nối về hệ thống xử lý nước thải tập trung của các KCN để xử lý với lưu lượng 90.972m3/ngày.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai cho hay: Để kiểm soát chất lượng nước sau xử lý, Sở TN&MT đã đầu tư lắp đặt trạm quan trắc tự động nước thải liên tục tại các KCN. Còn đối với các doanh nghiệp có nguồn thải trên 1.000m3/ngày, Sở TN&MT cũng đã thực hiện giám sát tự động, liên tục nước thải thông qua hệ thống quan trắc tự động nước thải, truyền dữ liệu trực tiếp về Sở.

Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt năm 2019 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, chỉ số chất lượng nước của các hồ cấp nước đều đạt mục đích cấp nước sinh hoạt. Các hồ không trực tiếp cấp nước sinh hoạt một số thời điểm có chỉ số chất lượng nước thấp chủ yếu do vi sinh vượt chuẩn và chất rắn lơ lửng TSS độ đục cao do mưa.

Hiện tại, tổng lưu lượng nước thải trên địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 480.000 m3/ngày. Trong đó, nước thải công nghiệp khoảng 180.000 m3/ngày, nước thải đô thị khoảng 300.000 m3/ngày. Với lưu lượng nước thải trên địa bàn tỉnh như trên, nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ có tác động xấu đến chất lượng nguồn nước mặt và gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sức khỏe người dân địa phương.

Theo ông Lê Văn Tân - Trưởng Phòng Tài nguyên nước - Khoáng sản (Sở TN&MT Bình Dương), nhận thức được vấn đề trên, Sở đã chủ động và có nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tất cả KCN và các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đều phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động để kiểm soát chất lượng nước thải.

Hiện nay, trên 90% nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt của TP.HCM được lấy từ nguồn nước mặt sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và kênh Đông. Kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng nước sông Sài Gòn ở phần thượng nguồn từ Bình Phước trở lên đạt tiêu chuẩn nguồn loại A và từ Bình Phước trở xuống đến điểm đổ ra sông Đồng Nai chỉ đạt tiêu chuẩn nguồn loại B, đang bị ô nhiễm vi sinh cao.

 

 

NHÓM PV MIỀN NAM