Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu nhóm giải pháp tháo gỡ cho ngành Nông nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 17:41, 06/11/2019
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết sẽ tiếp thu tất cả những vấn đề các vị ĐBQH được quan tâm đến trách nhiệm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để có các giải pháp khắc phục.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng làm rõ thêm một số giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành Thuỷ sản Việt Nam trong thời gian tới. Đây là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm, trong đó ĐB Nguyễn Thị Yến BRVT, ĐB Thái Trường Giang – Cà Mau, ĐB Đỗ Đức Hồng Hà đặt câu hỏi trực tiếp cho Phó Thủ tướng.
Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu trước Quốc hội chiều 6/11. Ảnh: Quốc Khánh |
Từ tình hình phát triển ngành thủy sản hiện nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo Quốc hội về trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển ngành thủy sản Việt Nam trong giai đoạn tới.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đặt ra là phải phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam thành một ngành sản xuất hàng hóa có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới trên cơ sở khai thác những tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương.
Khắc phục những tồn tại, khó khăn, thách thức để phát triển bền vững ngành thủy sản, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của người lao động.
Từ mục tiêu đó, Chính phủ sẽ tập trung vào 06 số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, phải tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành thủy sản trên cơ sở đánh giá đầy đủ nhu cầu thị trường trong nước và thế giới; Gắn tái cơ cấu ngành thủy sản với điều kiện phát triển thủy sản của từng vùng, từng địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Gắn tái cơ cấu ngành thủy sản với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào đến nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Chuyển từ nuôi trồng, khai thác theo phương thức truyền thống sang công nghiệp hóa ngành thủy sản, ứng dụng công nghệ cao.Tổ chức lại hoạt động khai thác, đẩy mạnh nuôi trồng, hiện đại hoá quản lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.
Tái cấu trúc ngành khai thác thủy sản, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường. Đồng thời, hiện đại hóa tàu thuyền, trang thiết bị, đảm bảo nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản.
Tái cơ cấu ngành thủy sản, chuyển mạnh sang nuôi trồng biển - coi đây là nhiệm vụ đột phá trong tái cấu trúc ngành thủy sản trong giai đoạn tới nhầm thúc đẩy tăng trưởng thủy sản, chuyển dịch cơ cấu lao động từ đánh bắt sang nuôi trồng, giải quyết nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.
Thứ hai, trên cơ sở tái cơ cấu ngành thủy sản, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên Môi trường, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung ra soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch theo Luật quy hoạch.
Trong đó, phải đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Sử dụng biển Quốc gia (Bộ TNMT được giao) để báo cáo Quốc hội. Xác định đầy đủ các khu vực biển, đảo có tiềm năng lợi thế để phát triển ngành thủy sản mở ngoặc khai thác và nuôi biển. Từ đó làm cơ sở cho việc đầu tư khai thác và nuôi biển.
Quy hoạch Sử dụng biển Quốc gia phải gắn với việc điều tra, đánh giá đầy đủ về nguồn lợi thủy sản trên biển để làm cơ sở xây dựng kế hoạch khai thác thủy sản phù hợp với nguồn lợi thủy sản; Tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ KHĐT tổ chức lập Quy hoạch các vùng kinh tế và hướng dẫn các địa phương lập Quy hoạch tỉnh theo Luật quy hoạch.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc này phải xác định rõ các quy hoạch cần tích hợp vào Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh như Quy hoạch hạ tầng thuỷ sản, giao thông, thủy lợi, điện, thông tin truyền thông, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, các khu vực nuôi trồng thuỷ sản cả trên biển và đất liền…
Quốc hội chiều 6/11 |
Thứ ba, trên cơ sở quy hoạch, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các quy hoạch cho từng năm và 5 năm. Xác định rõ cơ cấu nguồn vốn để đầu tư thực hiện các quy hoạch. Đồng thời, xác định cụ thể các dự án, các nhiệm vụ ưu tiên để huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Ưu tiên vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho các dự án hạ tầng cấp thiết như: cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, các dự án hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, trong đó tập trung cho khu vực duyên hải và khu vực ĐBSCL.
Với các dự án nuôi trồng thuỷ sản tập trung (cả các dự án nuôi biển), thì huy động các nguồn vốn xã hội (của doanh nghiệp và người dân trong và ngoài nước) để đầu tư.
Thứ tư, rà soát lại các cơ chế chính sách hiện có để sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chính sách để hỗ trợ phát triển ngành thủy sản. Trong đó:
Tổng kết thực hiện Nghị định 67 để điều chỉnh lại những nội dung còn hạn chế, chưa phù hợp (như cơ chế về tín dụng cho ngành thủy sản).
Xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển các đội tàu Viễn Dương, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, các chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển nuôi trồng thuỷ sản.
Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nuôi biển; Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân, đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển ngành thủy sản.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm soát quá trình đầu tư phát triển, khai thác, nuôi trồng, chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản nhằm:
Nâng cao chất lượng hiệu quả đầu tư các dự án hạ tầng, các dự án đóng mới tàu thuyền; Kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản.
Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm: Mở rộng thị trường cho sản phẩm thuỷ sản Việt Nam; Trong phân định vùng biển, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và hợp tác đánh cá với các quốc gia trong khu vực và các vùng đại dương. Huy động nguồn lực để trang bị hợp tác khoa học cho các hoạt động tập trung lĩnh vực thủy sản.
Và cuối cùng, phải giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về khai thác hải sản. Đặc biệt là việc đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Báo cáo tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, sau khi Ủy ban Châu Âu EC cảnh báo “thẻ vàng” với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo với các Bộ, ngành, và 28 địa phương ven biển để triển khai các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm của tàu cá và ngư dân Việt nam.
Tuy nhiên tình trạng đánh bắt cá trái phép vẫn chưa chấm dứt. Hiện tại, còn 7 địa phương có tàu cá của ngư dân vi phạm, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Tuần sau, đoàn công tác của Uỷ ban Châu Âu EC sẽ trở lại Việt Nam để kiểm tra, xem xét có gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam hoặc nâng mức cảnh báo “thẻ đỏ”.
Nếu không được gỡ thẻ vàng, thậm chí bị nâng mức cảnh báo “thẻ đỏ” sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu của thuỷ sản Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển của ngành thủy sản và nền kinh tế của Việt Nam và đời sống người dân.
Phó Thủ tướng cho biết, Đây cũng là trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT và cá nhân phó thủ tướng trong cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU.
“Do đó, ngoài những giải pháp dài hạn để phát triển ngành thủy sản Việt Nam thời gian tới như tôi đã báo cáo thì tại diễn đàn Quốc hội, tôi đề nghị các vị Đại biểu Quốc hội tại các địa phương đặc biệt là 28 Tỉnh, Thành phố ven biển hỗ trợ giúp đỡ trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát ngư dân, cùng với lãnh đạo các địa phương triển khai tốt các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của EC, sớm gỡ thẻ vàng cho thuỷ sản Việt Nam, để từ đó góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu cho thuỷ sản Việt Nam.” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.