Bộ Công Thương nghe ý kiến về cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 09:37, 06/11/2019
Theo Quyết định 28/2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương, hiện giá điện bán lẻ chia 6 bậc thang (từ 0 kWh đến trên 401 kWh). Tuy nhiên, sau đợt tăng giá bán lẻ bình quân thêm 8,36% từ 20/3, nhiều ý kiến cho rằng, việc chia biểu giá 6 bậc thang đã không còn phù hợp.
Theo ông Bùi Xuân Hồi (Bộ môn Kinh tế năng lượng, Đại học Bách Khoa Hà Nội) - Chủ nhiệm đề án cho biết đang đề xuất 3 kịch bản với giá bán lẻ điện sinh hoạt tương ứng với 3, 4 và 5 bậc thang.
Theo đó, kịch bản giá điện 3 bậc thang rút gọn từ 100 kWh đến trên 400 kWh. Kịch bản 4 bậc sẽ rút gọn bậc từ 100 kWh đến trên 600 kWh, còn phương án giá chia 5 bậc thang gồm dưới 100 kWh đến trên 700 kWh.
Ông Bùi Xuân Hồi đánh giá, 3 phương án trên đều không gây tác động nhiều đến hộ tiêu dùng, xã hội trong khi doanh thu của EVN giảm nhẹ. Nhưng ở phương án chia 3 bậc thang thì hộ gia đình dùng 101-200 kWh sẽ trả chi phí tăng nhiều nhất, bình quân 12.000 đồng một tháng.
Hội thảo về nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá điện bán lẻ ngày 5/11 |
Lý giải việc lựa chọn phương án 5 bậc, ông Bùi Xuân Hồi cho rằng, phương án này phù hợp hơn cả với các mục tiêu định giá: Hộ tiêu dùng bậc 101-200 kWh/tháng chịu tác động ít nhất trong 3 phương án; việc chia các bậc thang dùng nhiều điện chi tiết hơn cũng phù hợp hơn với đặc điểm tiêu dùng hiện nay; 5 bậc thang sản lượng cũng phù hợp với 5 bậc thang thu nhập của hộ gia đình.
Đề án chỉ ra rằng, ở phương án 6 bậc như hiện nay có phần quá chi tiết, cơ cấu tiêu dùng đã thay đổi, có thể xem xét gộp lại để đơn giản quá trình tính toán.
Đồng thời, giá điện 1 thành phần đơn giản nhưng ko phản ánh đúng chi phí người tiêu dùng gây ra cho hệ thống, không góp phần cải thiện hệ số sử dụng thiết bị, rủi ro cho ngành điện khi thu hồi chi phí cố định qua giá điện năng.
Cơ cấu giá bậc thang hiện tại cũng không còn phản ánh phù hợp chi phí và chưa thực sự công bằng giữa các hộ tiêu dùng điện; mức giá thấp của các hộ sản xuất không khuyến khích đổi mới công nghệ, sử dụng hiệu quả tiết kiệm năng lượng...
Theo GS. VS. TSKH Trần Đình Long, giá bán lẻ điện có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng tới các hộ tiêu thụ điện và tới doanh thu của doanh nghiệp điện lực. |
Việc gộp các bậc trong biểu giá điện như đề xuất là hợp lý vì chênh lệch 2 bậc trong biểu giá 6 bậc cũ không quá nhiều. Đồng thời, việc lựa chọn phương án nhiều bậc (5 bậc thay vì 3 hay 4 bậc) cũng đảm bảo được ý đồ của biểu giá bậc thang: dùng càng nhiều giá càng cao.
Ngoài ra, cần phải cải tiến biểu giá bởi hiện nay, mức độ chênh lệch của bậc cao nhất và thấp nhất là chưa đủ mạnh để người sử dụng cảm nhận được “sức nóng” của dùng điện nhiều, từ đó có ý thức tiết kiệm.
Theo GS. VS. TSKH Trần Đình Long, ông hoàn toàn đồng ý với vấn đề luật hóa chu trình điều chỉnh giá điện. “Thị trường thay đổi hàng ngày thì cần có chu kỳ điều chỉnh cho phù hợp, nếu không hiểu quy luật mà cho tăng giá điện thì tính theo cơ sở nào. Đề xuất một năm 2 lần điều chỉnh là hợp lý; như Thái Lan họ 1 năm 3 lần điều chỉnh và nó thành luật rồi”.
Cũng theo ông Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách Khoa Hà Nội, việc điều chỉnh 2 lần/năm là hợp lý, có thể tăng hay giảm. Giá điện tùy thuộc nhiều yếu tố, như: mưa; nếu mưa nhiều thì thủy điện sẽ nhiều, giá thành thấp. Ngược lại, nếu hạn hán, ngành điện phải huy động nhiệt điện dầu nhiều thì chi phí sản xuất điện sẽ cao, có thể tăng tăng giá.
"Như vậy, mức giá điều chỉnh có tăng, có giảm, tùy theo các yếu tố đầu vào. Làm được như vậy, sẽ minh bạch hơn, mỗi kỳ điều chỉnh nhỏ ở mức 3-5%. Từ đó, các hộ tiêu dùng có thể điều chỉnh được hành vi sử dụng điện. Còn như hiện nay, mỗi năm chúng ta điều chỉnh 1 lần nhưng tăng khá mạnh, như vừa rồi là hơn 8%, sẽ gây shock cho các hộ tiêu dùng” - ông Trần Văn Bình nói.