Hà Nội "điểm mặt" các dự án bất động sản đang thế chấp tại ngân hàng

Bất động sản - Ngày đăng : 07:22, 05/11/2019

(TN&MT) - Văn phòng đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội) vừa thông báo danh sách các chủ đầu tư thế chấp tại ngân hàng.

Công ty CP Bitexco đã đăng ký thế chấp tại ngân hàng ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam quyền sử dụng đất thuộc 14 ô đất xây nhà ở thấp tầng tại dự án The Manor Centre Park (Thanh Trì, Hà Nội).

Các ô đất đang thế chấp có ký hiệu 14-TM1; 14TM2; 14TM3; 14TM4; 14TM5….(thuộc dự án khu đô thị Nam vành đai 3 giai đoạn 1 thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì và phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

 

Văn bản xác nhận thông tin thế chấp dự án The Manor Center Park (Thanh Trì, Hà Nội)

Vào tháng 10/2019, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã thực hiện đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại 33 Giấy chứng nhận tại địa chỉ Khu nhà ở thấp tầng - Dự án Khu văn phòng giao dịch, thương mại, giới thiệu sản phẩm và nhà ở, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ do Công ty TNHH An Quý Hưng Land làm chủ đầu tư đăng ký thế chấp tại Ngân hàng TNHH Indovina - Chi nhánh Thiên Long.

Trước đó, vào đầu tháng 9/2019, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã thực hiện đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất 28 thửa đất (từ lô số 1 đến 28) tại Dự án xây dựng nhà ở thuộc ô đất nhà vườn ký hiệu ĐNV2 thuộc khu di dân Đền Lừ III và đấu giá quyền sử dụng đất, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội (dự án Shop villas Apromaco) của Công ty CP Vật tư Nông sản.

Dự án khu đô thị tại Đông Anh thế chấp 2 ô đất thương mại tại ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội. 

Ngoài ra, Công ty Cổ phần đầu tư Xuân Cầu, chủ đầu tư dự án Xanh Villas thuộc xã Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội) đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất vào ngày 29/8/2019. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng 5 thửa đất tại dự án Xanh Villas, gồm: Thửa 115, 114, 119, 120, 117 với tổng diện tích thế chấp là hơn 31.000 m2.

Việc các doanh nghiệp bất động sản mang dự án đi thế chấp ngân hàng là câu chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, có một thực tế cần cảnh báo đến các khách hàng. Đó là nhiều doanh nghiệp mặc dù đã mang dự án đi thế chấp nhưng vẫn mang các sản phẩm này ra thị trường để chào bán cho khách hàng. Hiểu nôm na, doanh nghiệp bán nhà 2 lần.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty Luật BASICO, các dự án bất động sản đang thế chấp cho ngân hàng khi mang ra thị trường bán cho khách hàng thì doanh nghiệp buộc phải giải chấp. Việc thế chấp cả những căn hộ đã bán là vi phạm pháp luật.

“Khách hàng mua phải những căn hộ, căn liền kề, biệt thự đang bị thế chấp tại ngân hàng sẽ hết sức rủi ro. Bởi, người mua nhà sẽ chưa thể được cấp giấy chứng nhận. Còn quyền sở hữu nhà của người dân thì không bị ảnh hưởng. Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến thế chấp sẽ do ngân hàng và chủ đầu tư chịu trách nhiệm.” – ông Đức nhấn mạnh.

Cũng theo Luật sư Trương Thanh Đức, để hạn chế tối đa những rủi ro mà khách hàng phải gánh chịu, cần minh bạch, công khai thông tin những dự án đang bị thế chấp. Việc công khai phải rõ ràng, chi tiết và cập nhật thường xuyên để người dân nắm rõ thông tin trước khi ra quyết định mua nhà.

Thùy Linh