Một số chính sách liên quan đến tài nguyên môi trường có hiệu lực từ tháng 11/2019

Văn bản mới - Ngày đăng : 20:34, 01/11/2019

(TN&MT) - Bản tin dự báo, cảnh báo hải văn chỉ được coi là kịp thời khi đáp ứng đúng yêu cầu về thời gian phát sóng; nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam...là những chính sách mới có hiệu lực trong tháng 11/2019

Các chỉ số đánh giá dự báo, cảnh báo hải văn

Từ ngày 15/11/2019 Thông tư 16/2019/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo hải văn bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, việc sử dụng các chỉ số đánh giá dự báo cảnh báo như sau: Chất lượng dự báo, cảnh báo của từng yếu tố, hiện tượng được dựa trên chỉ số xác suất dự báo đúng (PC) của yếu tố, hiện tượng cho từng thời đoạn cảnh báo, dự báo cụ thể.

Các chỉ số đánh giá ME, MAE, RMSE, BIAS, POD, FAR, CSI và sai số dự báo, cảnh báo khu vực ảnh hưởng của hiện tượng dự báo, cảnh báo được đánh giá cho từng thời đoạn cụ thể.

 Cảnh báo các hiện tượng hải văn nguy hiểm gồm khu vực sóng lớn, khu vực xuất hiện triều cường, khu vực xuất hiện nước dâng được đánh giá theo biến phân nhóm.

Cũng theo Thông tư, bản tin dự báo, cảnh báo hải văn trong điều kiện bình thường được đánh giá là “kịp thời” khi bản tin được cung cấp đúng giờ hoặc chậm nhất là 15 phút kể từ thời điểm phát hành bản tin dự báo, cảnh báo; được đánh giá là “không kịp thời” khi bản tin được cung cấp sau 15 phút kể từ thời điểm phát hành bản tin dự báo, cảnh báo.

Ảnh minh họa

Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, không đúng quy định gây ảnh hưởng lớn đến môi trường trong sản xuất nông nghiệp nói riêng và môi trường sống nói chung. Để hạn chế tình trạng này, Bộ NNPTNT đã ban hành Thông tư số 10/2019/TT-BNNPTNT  quy định về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam. Thông tư có hiệu lực từ ngày 5/11.

Theo đó, các loại thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp được phép sử dụng tại Việt Nam, gồm:

- Thuốc trừ sâu: 850 hoạt chất với 1757 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ bệnh: 563 hoạt chất với 1191 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ cỏ: 235 hoạt chất với 659 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ chuột: 8 hoạt chất với 26 tên thương phẩm.

- Thuốc điều hòa sinh trưởng: 52 hoạt chất với 148 tên thương phẩm.

- Chất dẫn dụ côn trùng: 8 hoạt chất với 8 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ ốc: 33 hoạt chất với 153 tên thương phẩm.

- Chất hỗ trợ (chất trải): 5 hoạt chất với 6 tên thương phẩm.

Trong khi đó, các loại thuốc bảo vệ thực vật nào bị cấm sử dụng tại Việt Nam, gồm:

- Thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản: 23 hoạt chất.

- Thuốc trừ bệnh: 6 hoạt chất.

- Thuốc trừ chuột: 1 hoạt chất.

- Thuốc trừ cỏ: 1 hoạt chất.

Phạm Oanh