“Tuyên bố Hà Nội” - hiện thực hóa đô thị thông minh, đáng sống
Môi trường - Ngày đăng : 20:27, 01/11/2019
Tuyên bố chung của 25 nước châu Á
Vừa qua, đại diện 25 nước tham gia Diễn đàn liên Chính phủ về GTVT bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 (EST 12) vừa qua, tại Hà Nội đã thống nhất thông qua văn bản “Tuyên bố Hà Nội”. Điều này cho thấy Chính phủ các nước rất quan tâm đến vấn đề giao thông bền vững về môi trường tại các thành phố
Theo ông C.R.C. Mohanty, điều phối viên Chương trình Môi trường (UNCRD, Liên hợp quốc), “Tuyên bố Hà Nội” mà 25 quốc gia thành viên nhất trí ký thông qua, tuy không có giá trị ràng buộc về pháp lý nhưng thể hiện sự tự nguyện, cam kết của các quốc gia, thành phố về hiện thực hóa thành phố thông minh, đáng sống.
Thúc đẩy giao thông thông minh là một trong những giải pháp hiện thực hóa thành phố thông minh, đáng sống. Ảnh minh họa |
Nội dung đề cập tại “Tuyên bố Hà Nội” nêu rõ, “Thành phố thông minh” được hiểu là nơi an toàn hơn, sôi động về kinh tế, bao trùm về xã hội và bền vững về môi trường.
Điều này cần được hiện thực hóa bằng tích hợp từ công nghệ thông minh, với công dân và quản trị thông minh để nâng cấp hệ thống GTVT, phân phối năng lượng, nâng cao chất lượng nước và không khí, quản lý rác thải và thoát nước, nâng cấp các cơ sở chăm sóc y tế, giáo dục và dịch vụ công của thành phố đạt mục tiêu phát triển bền vững.
“Tuyên bố Hà Nội” cũng chỉ rõ, thúc đẩy các giải pháp giao thông thông minh bằng cách tích hợp mạng lưới giao thông với quản lý giao thông hiệu quả, giao thông công cộng, hệ thống hạ tầng dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp, mạng lưới đường bộ tối ưu hóa, hệ thống đỗ xe được quản lý tốt, tăng trưởng thông minh. Trong hoạch định phát triển lấy giao thông làm trung tâm, sử dụng đa dạng các giải pháp thông minh như: vạn vật kết nối, công nghệ thông tin và truyền thông, hệ thống giao thông thông minh, cảm biến, app và thiết bị di động thông minh.
Cụ thể hóa chính sách tích hợp công nghệ 4.0
Tuy nhiên, hạn chế hiện nay ở nhiều quốc gia, đô thị là thiếu chính sách tích hợp GTVT để đạt mục tiêu giao thông bền vững về môi trường.
Ông Madan Banhu Regmi, đại diện Ủy ban Kinh tế xã hội và môi trường của Liên hợp quốc cho rằng, hiện kế hoạch quản lý vận tải vẫn bị phân tán. Vì vậy, cần đặt vấn đề xây dựng chính sách tích hợp các phương thức vận tải để đạt hiệu quả vận tải và môi trường bền vững
Cùng với đó, các tiến bộ công nghệ gần đây như cảm biến tự động và hệ thống dẫn hướng được sử dụng cho tàu điện không ray; trí tuệ nhân tạo, hệ thống giao thông thông minh... có thể sử dụng trong quản lý ùn tắc, hoạch định giao thông và tăng cường kết nối đa phương thức.
Do vậy, để hiện thực hóa các thành phố thông minh thông qua các giải pháp giao thông bền vững với môi trường, phát thải các-bon thấp cần thiết ứng dụng các thành tựu công nghệ 4.0; đề xuất các giải pháp để phát triển GTVT đô thị bền vững với môi trường trong các quy hoạch, chiến lược định hướng phát triển.
Hơn nữa, ngay từ khi lập một dự án hạ tầng giao thông, nhất là các dự án lớn cần lồng ghép ngay các yếu tố về bảo vệ môi trường và đảm bảo phải tuân thủ theo các mục tiêu, tiêu chí, chương trình, thỏa thuận quốc tế về môi trường.
Liên quan đến phát triển giao thông công cộng vận tải số lượng lớn và bền vững môi trường, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, Hà Nội đã phát triển hệ thống xe buýt kết nối trung tâm với tất cả huyện và có hai tuyến đường sắt đô thị (Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội) đang khẩn trương xây dựng để đi vào hoạt động trong vài năm tới.
Mặc dù gặp khó khăn về vốn, cơ chế thu hút đầu tư; song Hà Nội sẽ tiếp tục vận dụng các sáng kiến, chia sẻ của các nước, thành phố để phát triển thành phố hiện đại, giao thông bền vững với môi trường.