Thừa Thiên Huế: Triển khai tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 14:44, 30/10/2019

(TN&MT) - Ngày 30/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa ban hành công văn yêu cầu các sở ban ngành, các tổ chức, cá nhân có chăn nuôi, mua bán, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nghiêm túc... thực hiện một số nội dung liên quan đến việc triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường.

Thừa Thiên Huế tiến hành tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường

Thời gian qua tại một số địa phương ở Thừa Thiên Huế xảy ra dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi; tình hình thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa sẽ làm giảm sức đề kháng của gia súc, gia cầm, qua đó tạo thuận lợi cho mầm bệnh có điều kiện phát tán.

Mặt khác, các hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới ngày càng tinh vi, khó kiểm soát, việc quản lý dịch tại các cơ sở giết mổ ở một số địa phương chưa tốt...

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã và TP. Huế tổ chức, triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Thời gian thực hiện đồng loạt từ ngày 1/11 đến 1/12.Chỉ đạo chính quyền cấp xã, phường, thị trấn tổ chức các đội phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu..., việc phun khử trùng được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ, rửa sạch. Những trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện dưới sự giám sát của chính quyền và cơ quan chuyên môn thú y.

Tại cửa khẩu biên giới, chỉ đạo Ban quản lý cửa khẩu bố trí hố sát trùng và giao trách nhiệm cơ quan

chăn nuôi thú y địa phương thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua lại. Đối với các đường mòn, lối mở biên giới chính quyền địa phương cấp xã bố trí hố sát trùng.

Yêu cầu Sở NN&PTNT hướng dẫn về nghiệp vụ, phương pháp, cách thức tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng cho các đối tượng tiêu độc để các địa phương triển khai. Đôn đốc phòng NN&PTNT các huyện, phòng Kinh tế các thị xã, TP. Huế tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức, triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường đảm bảo hiệu quả.

Bố trí, cấp bổ sung hóa chất tiêu độc khử trùng để các địa phương thực hiện tiêu độc khử trùng ở những khu vực trọng điểm, khu vực nguy cơ cao. Chỉ đạo các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, tăng cường công tác tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động ra, vào tỉnh.

Ngoài ra, yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo cơ quan y tế các cấp phối hợp ngành NN&PTNT tổ chức, thực hiện tiêu độc khử trùng môi trường để phòng bệnh lây lan cho người...

Ở một diễn biến khác, dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp tại Huế và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính đến nay dịch xảy ra tại 676 thôn, 118 xã thuộc 9/9 huyện. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 70.557 con với tổng trọng lượng tiêu hủy là 4.197 tấn.

Văn Dinh