Quảng Bình: Chuyện những Già làng, Trưởng bản hết lòng vì dân

Xã hội - Ngày đăng : 16:14, 28/10/2019

(TN&MT) - Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Bình đã có thay đổi vượt bậc. Bà con không còn bị đói, rét, đời sống vật chất được nâng cao.

Tiêu biểu trong số đó có ông Hồ Nam, là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản, Người có uy tín của bản Khe Ngang, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Những năm qua, nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân đối với bản làng, ông Nam luôn gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào trong bản cùng thực hiện; tích cực tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của bản, vận động xóa bỏ tập tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Bà Phạm Thị Lâm, trưởng bản Cáo xã Lâm Hóa là một trong những đại biểu tiêu biểu tham dự Đại hội, đại biểu cấp tỉnh lần thứ 3 Quảng Bình

Bản Khe Ngang nhiều năm liền được UBND huyện công nhận đạt danh hiệu bản văn hóa. Đời sống của người dân ngày một phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 5% năm; hiện nay bà con Vân Kiều ở bản Khe Ngang đã tự túc được phần lớn lương thực với 18 ha lúa nước, 10 ha các loại cây trồng hoa màu khác. Còn bản thân ông Hồ Nam được được tặng nhiều giấy khen của huyện Quảng Ninh và xã Trường Xuân.Không chỉ vậy, ông Hồ Nam còn đi đầu trong phong trào sản xuất, làm kinh tế ở địa phương.

Anh Hồ Văn Mừng, Trưởng bản, là người có uy tín ở bản Khe Khế, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết: bản Khê Khế là một trong những bản có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn. Hiện tại, bản có 71 hộ chủ yếu là dân tộc Bru - Vân Kiều, hộ nghèo chiếm hơn 52%.

Bản Khe Khế có xuất phát điểm thấp, đời sống kinh tế của bà con trước đây phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, trình độ dân trí chưa cao nên chưa biết vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Thông qua các lớp tập huấn, đi thực tế tại các địa phương bạn, với vai trò của mình trong cộng đồng, ông đã từng bước tuyên truyền, vận động dân bản áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất và vươn lên thoát nghèo. Đến nay, nhận thức và việc làm của bà con trong phát triển kinh tế đã thay đổi nhiều.Hiện tại, đồng bào đã biết trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, trồng cây hoa màu và phát triển kinh tế rừng và tham gia bảo vệ rừng tự nhiên.

Anh Hồ Văn Mừng, Trưởng bản, là người có uy tín ở bản Khe Khế, huyện Lệ Thủy chia sẻ với PV về tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm khoảng 5% năm.

Bà Phạm Thị Lâm, Trưởng bản Cáo đến từ xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, ít ai ngờ được người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé này nhiều năm qua là người có uy tín ở trong cộng đồng người Mã Liềng.

Bằng giọng tiếng Kinh lơ lớ, bà Lâm chia sẻ: Trên cương vị là Trưởng bản, tôi đã cùng với Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực chăm lo phát triển sản xuất bằng nhiều hình thức phong phú, như: tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, qua các buổi sinh hoạt bản, đi từng nhà để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con qua đó kịp thời báo cáo, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp giải quyết.

Từ sự tích cực tuyên truyền vận động nên tình hình tư tưởng của bà con nhân dân trong bản ổn định, luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; kinh tế xã hội có bước phát triển, đã xuất hiện một số mô hình hay, hiệu quả.

“Bên cạnh những kết quả đã đạt được, bản Cáo nói riêng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tuyên Hóa nói chung vẫn còn hết sức khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn ở mức cao. Để kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS phát triển, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành”, bà Lâm bày tỏ.

Tuyết Trang- Quỳnh Trâm