Trách nhiệm và lòng tự trọng

Xã hội - Ngày đăng : 15:38, 22/10/2019

(TN&MT) - Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa khai mạc. Và câu chuyện trách nhiệm tiếp tục là điều mà cử tri cả nước đặc biệt quan tâm.

Thực tiễn của tiến trình cải cách cho thấy, người dân đang ngày càng mong mỏi sự minh bạch ở mọi góc độ của những người đứng đầu các cơ quan… Từ thông tin quy hoạch, giá cả… đến các văn bản pháp luật.

Rất nhiều chuyên gia khi phân tích vấn đề này đã chỉ ra rằng, chúng ta đã bắt đầu có những giải pháp quyết liệt trong việc buộc tổ chức, cá nhân người đứng đầu phải có trách nhiệm bồi thường khi ra quyết định không chính xác, gây tổn thất cho ngân sách quốc gia, cho người dân. Những hành động “phủi tay” đang dần bị nghiêm trị. Một sự quyết liệt, nghiêm minh đang dần được thể hiện.

Dù vậy, dường như người dân vẫn chưa thật sự hài lòng bởi sự “tự giác” trong ứng xử của những người có trách nhiệm trước mỗi vụ việc xảy ra. Đâu đó còn thái độ né tránh, “bỏ quên dư luận”, chậm trễ trong xử lý các tình huống.

Thực tiễn cho thấy, trong vận hành của mỗi bộ máy, người đứng đầu hết sức quan trọng. Họ là hạt nhân, biểu tượng cho sự trong sáng của doanh nghiệp, tổ chức ấy. Tư cách của người đứng đầu ở mỗi lĩnh vực không phải chỉ ở tài năng mà còn ở chỗ họ sẵn sàng từ chức, rời bỏ vị trí lãnh đạo trong bộ máy bất cứ lúc nào khi thấy có dấu hiệu bị mất uy tín, bị dư luận chỉ trích.

 

Nhìn ra thế giới, mười hai năm trước, khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe quyết định từ chức, người ta nói đến ông với hình ảnh một người có lòng tự trọng và biểu trưng cho lòng yêu nước với một hành động cụ thể. Có nhà phân tích cũng đã chỉ ra rằng, ông Abe chỉ mới cầm quyền được một năm. Nhưng sau một năm đó, ông đã nhận thấy năng lực hạn chế của mình.

Có những sự kiện xảy ra làm đau lòng nước Nhật không phải vì tài lãnh đạo của ông. Nhưng ông vẫn thấy rằng, nó thuộc về trách nhiệm của cá nhân ông. Ông quyết định rời khỏi chiếc ghế quyền lực, bởi ông thấy rằng, nếu không làm cho nước Nhật hay hơn, thì càng không được phép làm cho nước Nhật dở đi. Và rồi, 5 năm sau (26/12/2012), ông trở lại cương vị Thủ tướng trong sự ủng hộ của người dân Nhật Bản.

Dám nhìn thẳng sự thật và hành động, đó là biểu hiện đầu tiên của những người có trách nhiệm cần phải thể hiện. Bởi lẽ, khi đã mất uy tín, việc nhanh chóng từ chức là cần thiết, tránh cho hình ảnh của cơ quan, tổ chức ấy bị hoen ố.

Làm sao để khi dời vị trí, người ta nhìn vào thấy tâm phục, khẩu phục. Làm sao để những người xung quanh nhìn vào quyết định đó mà lấy làm gương!(?). Ấy là điều không dễ! Và nói không quá lời, đó cũng chính là tư cách tối thiểu cần có của một người đảng viên từng tuyên thệ khi được kết nạp, không vì lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân; đó cũng là cách để làm cho một con người, một doanh nghiệp, hay một quốc gia phát triển.

Ngọc Lý