Độc đáo mô hình khởi nghiệp từ quai treo mây, ống hút trúc của chàng trai 8X

Môi trường - Ngày đăng : 19:25, 20/10/2019

(TN&MT) - Anh Đỗ Quốc Anh (SN 1985, trú xã Tịnh Ấn Tây, TP. Quảng Ngãi) đã chọn “khởi nghiệp” bằng mô hình sản xuất quai treo mây, ống hút trúc cung cấp cho các quán cà phê trong và ngoài tỉnh, với hy vọng loại bỏ rác thải nhựa, gửi thông điệp bảo vệ môi trường đến giới trẻ.

Anh Đỗ Quốc Anh đang hoàn thiện các sản phẩm của mình 

Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã ấp ủ ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương của mình. Nhưng do điều kiện hoàn cảnh còn khó khăn nên anh phải bươn trải để kiếm sống.

Đầu năm 2018, qua tìm tòi và nghiên cứu, nhận thấy tại Quảng Ngãi, loại sản phẩm này chưa thông dụng lắm nên anh Anh táo bạo nhập nguyên liệu về tự mày mò, thiết kế thành nhiều mẫu các loại quai treo, ống hút, đồ trưng bày từ mây tre, trúc… sau đó lên mạng quảng bá tìm đầu ra.

Để đan những chiếc quai mây, anh Anh mua nguyên liệu mây từ các huyện miền núi Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ... Những chiếc quai mây nhìn đơn giản, nhưng để đạt chuẩn rất khó, vì người làm phải khéo léo, cố định các đầu mối bằng mây, mà không sử dụng bất kỳ chất liệu kết dính nào.

Thời gian đầu, công việc gặp rất nhiều khó khăn: do chưa thạo nghề và sản phẩm làm ra chưa đa dạng, khách hàng cũng chưa tin tưởng vào sản phẩm do một người trẻ mới vào nghề làm chủ.

Với tinh thần siêng năng, chịu khó, trách nhiệm với công việc nên chỉ sau vài tháng sản phẩm quai treo mây, ống hút trúc của anh dần dần tạo được uy tín và được nhiều chủ quán cà phê lớn ở Quảng Ngãi ngỏ ý mua nhằm gây thêm ấn tượng với khách hàng về không gian vừa xanh, vừa sạch.

Sản phẩm quai treo mây của anh Đỗ Quốc Anh rất được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng

Cùng với đó, anh tích cực nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trên sách báo, internet và các cơ sở khác để cải tiến mẫu mã, kỹ thuật cũng như khảo sát thị trường để có những bước tiến tiếp theo.

Ngoài những đơn đặt hàng, anh thường sáng tạo làm ra những sản phẩm trưng bày như thúng, rổ, gióng gánh, thuyền… điều được làm bằng mây. Hiện nay, các sản phẩm do anh làm ra được nhiều người biết đến và được phân phối trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Trừ tất cả chi phí, hàng năm anh thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng.

Anh Đỗ Quốc Anh cho biết, hiện nay rác thải nhựa, ô nhiễm nhựa là một trong những thách thức lớn mà con người đang phải đối mặt. Và, hành động chống ô nhiễm rác thải nhựa là hết sức cần thiết và cấp bách. Từ thực tế đó, bản thân tôi mong muốn làm ra những sản phẩm thân thiện với môi trường để cung ứng cho thị trường trong nước. Góp phần thay đổi thói quen của cộng đồng giới trẻ hiện nay trong việc sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho những vật dụng từ nhựa, với hi vọng loại bỏ rác thải nhựa.

Hiện nay, sản phẩm của anh Đỗ Quốc Anh bán rất chạy. Bình quân mỗi tháng, anh xuất ra thị trường khoảng 50.000 quai treo mây, ống hút trúc với giá tương ứng dao động từ 600 - 800 đồng/cái và 1.000 - 2.500 đồng/cái tùy theo sỉ, lẻ; cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/tháng.

“Tôi không đặt nặng vấn đề lợi nhuận khi sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhưng, điều cơ bản là giúp được những lao động ở nông thôn có việc làm trong lúc nhàn rỗi. Đây không phải là công việc vất vả, nặng nhọc, nhưng tôi vẫn trả giá nhân công tương xứng với thời gian mà họ bỏ ra làm. Mỗi tháng, chúng tôi xuất ra thị trường khoảng 50.000 chiếc quai mây, nghĩa là có thể giúp người tiêu dùng giảm hàng nghìn túi nilon”- anh Anh chia sẻ.

Ngoài những đơn đặt hàng anh thường sáng tạo làm ra những sản phẩm trưng bày như thúng, rổ, gánh… điều được làm bằng mây

Chị Trương Thị Thu Hường, một chủ quán cà phê Bach’s ở Quảng Ngãi cho hay: “Sản phẩm mây tre đan nếu so sánh với sản phẩm nhựa truyền thống thì có nhiều ưu điểm hơn. Nó vừa có tính thẩm mỹ, tiện lợi, an toàn cho sức khỏe con người, không gây hại tới môi trường”.

“Qua thời gian ngắn triển khai, quai treo mây, ống hút trúc đem lại hiệu ứng rất tốt, khách hàng rất ủng hộ, tin dùng. Điều đó, khiến mình cảm thấy phấn khởi vì đã góp phần nhỏ trong nói không với rác thải nhựa”- chị Hương bày tỏ.

Theo anh Đỗ Quốc Anh, hiện nay nhiều chuỗi cà phê tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Lào Cai, Vũng Tàu… đang tiêu thụ sản phẩm từ cơ sở của tôi. Thành công ấy giúp tôi có thêm động lực để nghĩ đến việc mở rộng quy mô. Định hướng đến năm 2020 là sẽ xây dựng một xưởng sản xuất, nhằm nâng số lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường lên 1-2 triệu quai treo mây, ống hút trúc, đồng nghĩa với việc hạn chế từ 1- 2 triệu túi ni lông trào ra môi trường. Đồng thời tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm quai mây của mình.

Những người như anh Anh, chị Hường đã và đang hành động để chống ô nhiễm rác thải nhựa. Dù mới chỉ ở việc làm nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa xã hội lớn, nhằm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề này, góp phần rất lớn vào chiến dịch giảm thiểu rác thải nhựa bảo vệ môi trường.

Mô hình phát triển kinh tế của anh còn giải quyết việc làm cho từ 2 lao động thời vụ. Anh luôn sẵn sàng chia sẽ kinh nghiệm, giúp đỡ những người có cùng hướng đi. Mô hình này không chỉ phát triển kinh tế gia đình. Mà khi những chiếc quai mây ngày càng phổ biến, giúp “hồi sinh” những vùng đất từng trồng mây, tạo nên việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, mà hơn hết chính là lan tỏa những việc làm thiết thực vì môi trường. Từ thành công của anh Anh một lần nữa khẳng định ý chí dám nghĩ, dám làm, biết khắc phục khó khăn của tuổi trẻ, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương của mình.

Huỳnh Lệ