Làm gì để bảo tồn biển trước sức ép phát triển kinh tế?

Biển đảo - Ngày đăng : 13:43, 19/10/2019

(TN&MT) - Ngày 19/10, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị quốc gia “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam nhằm phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng trưởng xanh”.

Hội nghị nhằm thảo luận, đề ra các giải pháp cho công tác bảo tồn biển trong thời gian tới theo NQ số 36-NQ/TƯ, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm.

Nhiều sức ép từ kinh tế

Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, biển Việt Nam nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) khá cao, với hơn 11.000 loài sinh vật được phát hiện. Tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên và nguồn lợi thủy sản là thế mạnh của Việt Nam trong phát triển ngành kinh tế biển nói chung và kinh tế thủy sản nói riêng và đặc biệt là thiết lập các Khu bảo tồn biển.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản phát biểu tại Hội nghị

Năm 2018, tổng sản lượng thủy sản nước ta đạt khoảng 7,74 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 9 tỷ, góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống người dân các tỉnh ven biển.

Tuy nhiên, ngành thủy sản Việt Nam cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn từ sức ép kinh tế như: phát triển du lịch biển, tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn còn diễn ra, sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất cấm, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, tình trạng ô nhiễm môi trường biển… nhưng chưa quan tâm đến công tác bảo tồn biển đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy giảm nhanh nguồn lợi thủy sản tự nhiên và suy thoái các hệ sinh thái biển. Điển hình phải kể đến các địa phương Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Phú Quốc là những điểm rất “nóng” và điển hình về việc khu bảo tồn biển bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của các cơ sở du lịch

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 742/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/5/2010, mạng lưới 16 khu bảo tồn biển đang dần được thiết lập và hoàn thiện nhằm bảo vệ các hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học các khu bảo tồn biển ở nước ta vẫn chưa hoạt động hiệu quả. Ông Jacob Brunner, Giám đốc điều hành IUCN khu vực Đông Nam Á đánh giá, chỉ có 2/10 khu bảo tồn có Ban quản lý hoạt động hiệu quả.

“Các khu bảo tồn biển ở Việt Nam chỉ dành 1% diện tích bảo vệ nghiêm ngặt, trong khi đó quy định thế giới phải là 30%. Đây là 1 sự đáng tiếc vì khi bảo tồn biển hiệu quả sẽ đóng góp lớn cho việc bảo vệ hệ sinh thái biển, phát triển bền vững ngành kinh tế thủy sản.  ” - ông Jacob Brunner chia sẻ.

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đang chịu nhiều áp lực từ phát triển du lịch

Còn PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển đã ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở nguồn lợi của các khu bảo tồn biển nước ta. Đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa, túi ni lông ở nước ta hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi ni lông vẫn ở mức rất cao, chiếm tới 8 – 12% trong chất thải rắn sinh hoạt, lắng động và quấn vào các rạn san hô ở các khu bảo tồn biển. Khiến các rạn san hộ của Việt Nam đang biến độ theo chiều hướng xấu, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững nghề cá biển nước ta.

Đồng quản lý để phát triển bền vững 

Khu bảo tồn biển được xem là công cụ quản lý hữu hiệu để bảo toàn tính bền vững của các vùng biển và các ngành kinh tế biển dựa vào nguồn lợi tự nhiên như nghề cá, du lịch và các dịch vụ đi kèm. Quản lý Khu bảo tồn biển hiệu quả sẽ góp phần lớn thực hiện chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT yêu cầu  các đơn vị liên quan Triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quản lý khu bảo tồn biển; Ưu tiên bố trí nguồn lực cho các KBTB hoạt động bảo tồn biển; Bố trí lực lượng kiểm tra tại các KBTB để thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý KBTB tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tại các KBTB; xử lý nghiêm các hành vi sử dụng xung điện, chất nổ, hóa chất cấm, chất độc, nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác hải sản...

Khai thác rong mơ tại Khu bảo tồn biển Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để bảo tồn biển, phát triển nghề cá bền vững thì phải duy trì được nguồn vốn tự nhiên biển, bảo tồn biển, bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế biển hiệu quả, thực hiệp pháp luật tốt, truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức.

"Nhìn từ các điển hình Cù Lao Chàm, Hòn Mun, Vườn Quốc gia Núi Chúa cho thấy cần nỗ lực cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong và lân cận khu bảo tồn biển để họ tham gia chủ động hơn vào việc quản lý khu bảo tồn biển, ủng hộ ban quản lý trong thực hiện kế hoạch quản lý, góp phần giảm sức ép khai thác tài nguyên, nguồn lợi thủy sản." - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết.

Còn PGS.TS Võ Sĩ Tuấn – Nguyên Viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam thì cho rằng phải có sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và bảo tồn biển, kiểm soát tình trạng khai thác nguồn lợi quá mức; tính đến sức tải của các hệ sinh thái du lịch....

“Việc cần làm là phải thiết lập các vùng không khai thác sử dụng thực sự trong các Khu bảo tồn biển nhằm duy trì và bảo tồn các loài quý hiếm, duy trì tài nguyên cho khai thác thủy sản bền vững và hoạt động du lịch địa phương. Việc bảo vệ các bãi đẻ, ương giống của các loài nguồn lợi cũng cần được coi trọng và thiết lập. Và trên hết cần có cơ chế và biện pháp thực thi để doanh nghiệp và cộng đồng đồng quản lý và sử dụng tài nguyên”- PGS.TS Võ Sĩ Tuấn kiến nghị.

 

Lan Anh