Thọ Xuân (Thanh Hóa): Người dân thấp thỏm nỗi lo “hà bá” nuốt nhà

Tiếng dân - Ngày đăng : 21:56, 17/10/2019

(TN&MT) - Hiện nay, người dân địa phương hết sức lo lắng khi mà vị trí sạt lở đã ăn sâu vào sát nhà, khiến cho nhiều hộ hân hàng ngày nơm nớp lo sợ “hà bá” sông Chu nuốt chửng nhà cửa bất kỳ lúc nào.

Sạt lở bờ sông Chu khiến người dân lo sợ

Không dấu nổi sự lo lắng, bà Nguyễn Thị Hường là hộ dân đang sinh sống ngay khu vực sạt lở cho hay: Tình trạng sạt lở diễn ra ở đây đã hơn 1 năm nay kể từ khi họ hút cát ở mỏ cát bên xã Thọ Lâm đối diện với khu vực bị sạt lở, việc hút cát sâu xuống lòng sông rồi trận lũ vừa rồi đã làm cho bờ sông mất chân bị sụt lún, sạt lở ăn sát vào nhà cửa, mất cả đường đi. Hiện nay có một số nhà đã phải di dời đi nơi khác ở. Còn lại nhà tôi và nhiều hộ khác luôn nơm nớp lo sợ bị dòng sông cuốn trôi mất nhà. Cứ hôm nào trời mưa to, giông bão là ban đêm thấp thỏm lo lắng không dám ngủ chỉ sợ bị cuốn trôi cả nhà và người. Người dân chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng có biện pháp kè những điểm bị sạt lở và dừng việc hút cát gần khu vực này.

Sạt lở bờ sông Chu đe dọa đến nhà dân

Theo quan sát của PV, tại khu vực bờ sông Chu đoạn thuộc xã Xuân Thiên có nhiều điểm bị sạt lở, với chiều dài hàng trăm mét, nhiều vị trí bị sạt tạo thành vách dựng đứng có chiều cao từ 3 đến 6m chênh vênh, nhiều điểm bị sụt lún làm mất công trình nhà cửa của hộ dân. Con đường bê tông vào khu vực hộ dân đã có dấu hiệu nứt gãy, nhìn từ dưới sông lên hiện rõ việc sạt lở ăn sâu tạo thành hàm ếch. Đoạn đường có khúc cua hẹp, vốn đã bị khuất tầm nhìn nay lại thêm tình trạng sạt lở mà không có rào chắn khiến cho việc đi lại vô cùng nguy hiểm.

Ông Cao Văn Thanh cho biết nguyên nhân gây sạt lở là một phần của việc hút cát

Ông Cao Văn Thanh (65 tuổi) sống ở thôn Quảng Phúc bức xúc chỉ tay về các tàu thuyền hoạt động hút cát và nói đây là một phần nguyên nhân của việc gây nên sạt lở. Đã 3 đời nay gia đình tôi gắn bó với mảnh đất này, chứng kiến hàng trăm trận lũ nhưng không hề bị sạt lở nghiêm trọng như hiện nay, thế nhưng kể từ khi có hoạt động khai thác cát ở bên kia sông thuộc xã Thọ Lâm thì khiến cho khu vực bên này bị sụt lún, sạt lở, rồi mưa lũ nữa đã làm cho cây cối và đất đai trôi hết xuống sông. Đến nay sạt lở đã ăn sát vào nhà tôi, nhưng do gia đình khó khăn, chưa được hỗ trợ để di dời khiến cho gia đình tôi luôn sống trong lo lắng sợ bị  dòng sông cuốn trôi nhà cửa bất kỳ lúc nào.

Trước đó, năm 2018, Báo Tài Nguyên & Môi trường đăng bài : “Thọ Xuân (Thanh Hóa): Dân hoang mang vì sạt lở sông Chu” phản ánh về việc sạt lở ven bờ sông Chu ngày càng ăn sâu vào ba thôn Quảng Phúc, Hợp Lực và Đại Đồng thuộc xã Xuân Thiên đang ở mức báo động. Nếu như không có biện pháp xử lý kịp thời, e rằng chỉ trong thời gian ngắn nữa, nhiều căn nhà cùng vườn tược của người dân sẽ bị cuốn trôi theo dòng chảy của sông Chu.

Nhiều vị trí bị sạt lở tạo thành vách dựng đứng

Cần sớm xử lý các điểm sạt lở

Tại tờ trình số 121/TTr-UBND, ngày 8/8/2019 của UBND huyện Thọ Xuân gửi Chủ tịch UBND tỉnh về việc đề nghị ban hành tình huống khẩn cấp để xử lý sự cố sạt lở kè sông Chu đoạn qua xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân. Sau mùa mưa lũ đoạn bờ tả sông Chu diễn biến phức tạp, hiện tượng xói lở chân, sạt lở bờ vẫn  tiếp tục xảy ra, dòng chủ lưu ép sát bờ tạo nên các lạch sâu hình thành ngay dưới chân bờ lở đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng khu dân cư với tổng số hơn 500 hộ dân thuộc 3 thôn Hợp Lực, Đại Đồng và Quảng Phúc, xã Xuân Thiên. Tổng chiều dài các tuyến bị sạt lở khoảng 1.800m, trong đó có 500m đã bị sạt lở nghiêm trọng. Trước tình hình trên, UBND huyện Thọ Xuân đề nghị UBND tỉnh ban hành xử lý khẩn cấp các điểm sạt lở để đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân xã Xuân Thiên.

Sạt lở ăn sâu vào sát đường bê tông

Theo đó, ngày 8/10/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4074/QĐ-UBND Quyết định ban hành tình huống khẩn cấp để triển khai xử lý kịp thời các trọng điểm xung yếu đê sông Chu đoạn qua xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân. Giao UBND huyện Thọ Xuân huy động nguồn lực tại chỗ thực hiện các biện pháp khắc phục tạm thời nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra; cắm mốc, biển báo nguy hiểm trong phạm vi ảnh hưởng của sự cố công trình; tổ chức di dời ngay các hộ dân, nhà cửa, vật kiến trúc ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Trịnh Ngọc Giang, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thọ Xuân cho biết: Khu vực bị sạt lở vào sát nhà dân thuộc xã Xuân Thiên đã có nhiều hộ gia đình di dời đi nơi khác sinh sống. Nguyên nhân sạt lở là do mưa lũ, cũng có một phần của việc khai thác cát. Hiện nay, UBND huyện Thọ Xuân đã có tờ trình gửi UBND tỉnh về tình huống khẩn cấp để xử lý sự cố sạt lở kè sông Chu đoạn qua xã Xuân Thiên.

Thu Thủy