UBTVQH thống nhất trình Quốc hội đề án thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội

Trong nước - Ngày đăng : 21:07, 16/10/2019

(TN&MT) - Chiều 16/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Báo cáo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết này là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý vững chắc từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, đáp ứng những đòi hỏi từ thực tiễn quá trình phát triển và yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và chính quyền đô thị trên cả nước nói chung.

ông Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân báo cáo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: quochoi.vn

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, việc thực hiện thí điểm nhằm từng bước đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách, đổi mới chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn tại thành phố Hà Nội.

Đồng thời, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao tính minh bạch, năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền thành phố; xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh nhằm huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững của Thành phố; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết tốt các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, phát huy các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và đại biểu dự họp tán thành với việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026. Việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định việc thí điểm là phù hợp, bảo đảm cơ sở pháp lý.

bà Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Trên cơ sở đó, tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền thành phố Hà Nội trong việc chuẩn bị nhân sự và tổ chức Đại hội đảng bộ cấp phường nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới bầu cử HĐND các cấp và kiện toàn UBND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, liên quan đến việc thực hiện thí điểm, trong giai đoạn từ tháng 4 năm 2009 đến tháng 6 năm 2015, để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng và Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có các nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ươngkhóa trước đã thí điểm trên 10 tỉnh thành.

“Do vậy, vấn đề thí điểm lần này sẽ còn nhiều ý kiến khác nhau; cần chuẩn bị tất cả những lý giải cho đại biểu quốc hội xem lần này khác lần trước như thế nào; kết quả thí điểm lần trước ra sao?”, bà Nga nhấn mạnh.

ông Nguyễn Đức Chung
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Lý giải thí điểm trên toàn bộ các phường thuộc các quận, thị xã của TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, việc thí điểm đồng bộ như vậy để thuận tiện cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo khi triển khai trên toàn thành phố.

Về tên gọi, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung giải thích, nếu thay đổi tên gọi thành “Ủy ban hành chính” thì toàn bộ hồ sơ lý lịch, dân cư, dữ liệu cốt lõi đã hoàn thành phải thay đổi lại toàn bộ, kể cả chứng minh thư nhân dân, giấy tờ trong sổ đỏ... Điều này sẽ gây ra những xáo trộn, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử của Hà Nội cũng sẽ chậm lại. Do vậy việc giữ nguyên tên gọi là UBND phù hợp với nguyện vọng của người dân thủ đô.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định việc thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Nội vụ cùng với Thường trực Ủy ban Pháp luật thẩm tra toàn bộ, chuẩn bị tất cả nội dung mà Thường vụ Quốc hội đề nghị hôm nay, những gì thiếu, chưa đầy đủ trong hồ sơ cần bổ sung hoàn thiện để trình tại Kỳ họp thứ 8 để Quốc hội xem xét, quyết định.

Tuyết Chinh