Giải quyết nguy cơ của Đồng bằng sông Cửu Long: Khuyến nghị từ Hà Lan

Thời sự - Ngày đăng : 15:35, 03/07/2019

(TN&MT) - Tháng 12/2013, Hà Lan đã giúp Việt Nam hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long (MPD), trong đó, đề xuất tầm nhìn và các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) và quản lý tài nguyên nước cho vùng. Đây là nội dung quan trọng để Chính phủ Việt Nam xây dựng Nghị quyết số 120/NQ-CP (Nghị quyết 120) về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu. Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Elsbeth Akkerman - Đại sứ Hà Lan tại Việt
Dai su ha Lan
Bà Elsbeth Akkerman 
Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu là một sự kiện quan trọng. Trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước và BĐKH, Việt Nam và Hà Lan là hai đối tác rất thân thiết.

Cơ sở của sự hợp tác này là sự tương đồng giữa hai đất nước. Dù vị trí địa lý cách xa nhau, nhưng cả hai đều có một nền kinh tế mở với ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Bản thân Hà Lan là một vùng đồng bằng. Việt Nam cũng có một số đồng bằng, như ĐBSCL, Đồng bằng sông Hồng. Vì thế, chính phủ và các thành phố lớn đều phải chuẩn bị đối phó với những tác động của BĐKH ngày càng gia tăng.

Ở Hà Lan, giải pháp của chúng tôi là phát triển một kế hoạch cho vùng đồng bằng, cho toàn quốc gia. Nhưng song song với nó, chúng tôi cũng có kế hoạch tập trung cho một số đô thị lớn, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Chúng tôi cũng tính đến các yếu tố ảnh hưởng của nước biển dâng và nguy cơ bị ngập từ biển hoặc các sông cho một số thành phố, chủ yếu là ở phía Tây của Hà Lan. Những kinh nghiệm này có thể là gợi ý cho các nước có hoàn cảnh tương tự, chẳng hạn như Việt Nam.

Từ đề xuất của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi đã tiếp cận các cơ quan quản lý, Viện nghiên cứu ở cấp quốc gia, cấp vùng và cấp địa phương, đồng thời, tham vấn kỹ với khối tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự để phát triển Kế hoạch ĐBSCL. Phía Hà Lan rất hoan nghênh vì Kế hoạch này đã được tiếp nối trong Nghị quyết 120. Chúng tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm về cơ sở hạ tầng và cả về mặt quản trị. Cơ sở hạ tầng là một yếu tố cần thiết khi muốn kiểm soát lũ lụt, nhưng quản trị và hợp tác giữa các bên liên quan trong tiến trình này cũng vô cùng quan trọng.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh về chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan, ngài Mark Rutte theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Việt Nam đã tham gia Liên minh các nước hành động vì BĐKH - sáng kiến mà Hà Lan là một trong các nước khởi xướng. Giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH là nỗ lực của mỗi quốc gia vì giải quyết thách thức nội tại, đồng thời, cũng góp phần vào cuộc chiến chống BĐKH trên bình diện toàn cầu. Hà Lan rất hoàn nghênh Việt Nam trở thành một trong các đối tác của liên minh này.


PV: Bằng trải nghiệm của một quốc gia có đến 50% lãnh thổ thấp hơn mực nước biển, trong những năm qua, Hà Lan đã chia sẻ bài học gì nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long?

ông Laurent Umans bí thư thứ nhất đại sứ quán hà lan


Ông Laurent Umans

Ông Laurent Umans: Theo tôi, trải nghiệm của Hà Lan hữu ích đối với Việt Nam là việc xây đê cao hơn hoặc xây thêm đê không thể giải quyết vấn đề lũ lụt, mà chỉ khiến lũ xảy ra phức tạp hơn. Khi xây đê, mực nước sẽ tăng lên và do vậy, lũ sẽ chuyển sang nơi khác. Đó là lí do chúng tôi đề xuất không xây các đê cố định mà tìm giải pháp chuyển nước chảy tới vùng trũng hơn. Nước sẽ được giữ lại trong mùa mưa và sử dụng trong mùa khô, đồng thời, tích trữ phù sa màu mỡ cho sản xuất nông nghiệp. Thuần hóa lũ thay vì xây đê là một bài học kinh nghiệm quan trọng mà Việt Nam có thể áp dụng cho vùng ĐBSCL.

Tôi phải nhấn mạnh rằng, khi lũ lụt được thuần hóa, Chính phủ cần giúp người dân dần thích nghi với những thay đổi trong sinh hoạt và sản xuất do tác động của BĐKH. Quan trọng là giúp họ nhận thức được rằng, không phải cơn lũ nào cũng là một thảm họa cần tận dụng lợi ích trong đó.

T13
Những kinh nghiệm ứng phó với ngập nước của Hà Lan có thể là gợi ý cho Việt Nam. Ảnh: MH

PV: Hà Lan từng công bố nghiên cứu về ảnh hưởng của việc hạ thấp mực nước ngầm với sụt lún tại ĐBSCL. Theo ông, Việt Nam có thể mất ĐBSCL nếu tình trạng này tiếp diễn kết hợp với nước biển dâng hay không?

Ông Laurent Umans: Gần đây, Hà Lan đã đưa ra các mô hình dự báo dựa trên những thông tin cập nhật nhất chúng tôi có. Vào năm 2080, hầu hết các vùng ĐBSCL sẽ ở dưới mực nước biển. Điều này không có nghĩa là chúng ta chỉ nhìn thấy toàn biển tại khu vực này. Vùng đất liền có thể được bảo vệ bởi các đập vững chắc ven biển. Tình huống này sẽ rất khác hiện trạng bây giờ khi nước cần được đẩy ra khỏi thành phố. Tôi chưa rõ liệu chúng ta có khả năng đẩy nước ra không; việc này có khả thi về mặt tài chính không; hay phương án tốt hơn nữa là để mọi người di dời khỏi vùng ĐBSCL. Giờ là quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào.

Chúng ta cần nghiên cứu thêm và Hà Lan sẽ phối hợp với chuyên gia để đưa ra giải pháp. Tôi không cho rằng, tại thời điểm hiện tại, chúng ta phải nghĩ về việc di dời dân khỏi thành phố lớn nhưng cần đưa ra giải pháp dài hạn. Chúng tôi đã khuyến nghị UBND TP.HCM không mở rộng thành phố ra gần biển mà có thể mở rộng về hướng Bắc, tuy vậy, sẽ có thể lấn vào ranh giới các tỉnh khác. Việc quản lý không gian cần có sự hợp tác chặt chẽ của các bên để đề ra phương án hợp lý nhất.

PV: Những đề xuất của Hà Lan đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng Nghị quyết 120. Với “khởi điểm” quan trọng này, theo ông, hiện nay Việt Nam cần làm gì để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra?

Ông Laurent Umans: Nghị quyết 120 đã đề ra tầm nhìn mang tính chiến lược để phát triển toàn vùng ĐBSCL. Để đạt được các mục tiêu đề ra, Việt Nam cần khẩn trương hành động và đưa ra các điều chỉnh phù hợp, có sự linh hoạt nhất định trong quá trình triển khai Nghị quyết.

Để triển khai Nghị quyết một cách toàn diện, có 2 điều kiện rất quan trọng: sự phối hợp và vấn đề tài chính. Không chỉ sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị với nhau, mà tôi đang nói về một kế hoạch hành động thống nhất giữa các bên liên quan, gồm cơ quan Nhà nước, khối tư nhân và khối xã hội dân sự. Kế hoạch Hành động thực hiện Nghị quyết cần được điều phối và Chính phủ có một vai trò quan trọng trong việc đưa ra một cơ chế hoặc một phương thức nào đó để bảo đảm hành động của các bên sẽ bổ trợ lẫn nhau.

Nghị quyết cũng đề cập tới việc Chính phủ sẽ tạo ra một quỹ hỗ trợ hướng tới sự phát triển bền vững của ĐBSCL. Điều này rất quan trọng vì việc triển khai Nghị quyết cần đóng góp tài chính từ cả chính phủ lẫn khối tư nhân.

PV: Xin ông cho biết, hướng hợp tác giữa Hà Lan và Việt Nam về thích ứng với BĐKH và quản lý tài nguyên nước ở ĐBSCL thời gian tới?

Ông Laurent Umans: Hà Lan đang tập trung vào 3 vấn đề chính ở vùng ĐBSCL. Đầu tiên là thích ứng với BĐKH. Tiếp đó, là sự giảm trầm tích của vùng đồng bằng do tác động của việc xây đập thượng nguồn. Cuối cùng là tình trạng sụt lún đất ở ĐBSCL, chủ yếu do việc khai thác nước ngầm và đất tự nhiên nén lại.

Tác động của 3 vấn đề này gộp lại rất trầm trọng vì gây ra sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển. Một phần lớn của vùng đồng bằng sẽ ở dưới mực nước biển vào năm 2080. Do vậy, cần triển khai một loạt các phương án, giải pháp để vùng đồng bằng được an toàn và thịnh vượng. Hà Lan sẽ hợp tác với Việt Nam về vấn đề nước, không chỉ ở vùng đồng bằng mà còn kết hợp ở TP.HCM. Chúng tôi đang hợp tác với Sở KH&KT trong việc sửa lại kế hoạch đô thị để giúp TP.HCM thích nghi với tác động của BĐKH và đất lún. Đồng thời, đề xuất bảo vệ vùng biển ở Hội An cùng các công ty Hà Lan để giải quyết vấn đề xói mòn bờ biển. Chúng tôi cũng có dự án về việc xử lý nước, hỗ trợ tài chính cho nhà máy xử lý nước ở vùng ĐBSCL và vùng lân cận.

Hà Lan mong muốn hợp tác với Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là trong Uỷ ban toàn cầu về thích ứng, cũng như hợp tác tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Sẽ có rất nhiều sự kiện lớn nhằm thúc đẩy nỗ lực ứng phó với BĐKH từ năm 2020 và cần sức mạnh tập thể từ sự gắn kết các quốc gia.

Ngọc Lý