Ngân hàng thế giới (WB): Ghi nhận bước tiến vùng Đồng bằng sông cửu long

Thời sự - Ngày đăng : 11:08, 06/07/2019

(TN&MT) - Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hiện thực hóa Nghị quyết số 120/NQ-CP (Nghị quyết 120) về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu. Dù vậy, để đạt được mục tiêu đã đề ra, những nỗ lực này là chưa đủ. Thông qua việc đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 120, chúng ta cần hướng tới những hành động mang tính tổng hợp, đã tác động, cho thấy hiệu quả phân bổ nguồn lực và kết nối các địa phương để giải quyết những vấn đề chung.
DSC 5501
Ông Ousmane Dione - 
Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam

Đó là khẳng định của ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam khi trả lời phỏng vấn của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, xung quanh những đóng góp của WB nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó BĐKH trong thời gian tới.

PV: Ngài nhận định như thế nào về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường tại vùng ĐBSCL, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết 120 của Chính phủ?

Ông Ousmane Dione: Theo tôi, Nghị quyết 120 ra đời đã trở thành một nhân tố then chốt, thúc đẩy các hành động giảm tính dễ bị tổn thương của ĐBSCL ở mọi cấp độ. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết 120, chúng ta đã thấy Chính phủ và một số Bộ, ngành thực sự có những điều chỉnh chính sách về ĐBSCL một cách hiệu quả. Bộ NN&PTNT đã có nhiều bước tiến để tăng tốc quá trình kế hoạch, tái cấu trúc nền nông nghiệp, đặc biệt ở ĐBSCL. Bộ TN&MT đang nỗ lực xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu đáng tin cậy hơn nhằm giúp tăng cường sự hiểu biết về bản chất của BĐKH, sự biến động các ngành, lĩnh vực và những tác động tới ĐBSCL, cũng như cách chúng tương tác như thế nào.

Bộ KH&ĐT đang tích cực tìm kiếm biện pháp để thúc đẩy quy hoạch địa phương theo hướng tích hợp trên toàn quốc, tạo điều kiện cho sự phối hợp nhịp nhàng hơn và tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn hơn, có tính nhất quán cao hơn. Từ đó, tăng cường ứng phó hiệu quả với BĐKH và tăng khả năng phục hồi sau những tác động không mong muốn do BĐKH gây ra. Các tỉnh  ĐBSCL cũng có những bước đi nhằm đảm bảo quy hoạch đó trở nên nhất quán với quy hoạch vùng.

Dù vậy, theo tôi, những nỗ lực này là chưa đủ. Thông qua việc đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 120, chúng ta cần hướng tới những hành động mang tính tổng hợp, đa tác động, cho thấy hiệu quả phân bổ nguồn lực và kết nối các địa phương để giải quyết những vấn đề chung.

PV: Hội nghị lần này nhằm đánh giá lại 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 và tiếp tục bàn các giải pháp đạt được mục tiêu ứng phó BĐKH tại ĐBSCL. Xin Ngài cho biết, thông điệp chính mà Ngân hàng Thế giới muốn gửi đến các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học là gì?

Ông Ousmane Dione: Việc đánh giá những gì đã thực hiện được hay những gì đang diễn ra khá quan trọng. Nhưng quan trọng hơn, theo góc nhìn của tôi, đó là phải triển khai kế hoạch phát triển bền vững ĐBSCL một cách sâu rộng và tích hợp, bao gồm nâng cao khả năng hồi phục, tính bền vững, khả năng tạo thu nhập, bảo vệ môi trường và đồng thời thu hút nhiều giải pháp sáng tạo nhằm ứng phó BĐKH.

Từ cách tiếp cận của WB, để làm được điều này, các bên liên quan cần giải quyết 4 vấn đề. Đầu tiên là cải thiện hệ thống thông tin, dữ liệu vùng. Làm thế nào để có nhiều thông tin hơn, cập nhật liên tục những diễn biến, thay đổi không ngừng ở ĐBSCL bởi đây là cơ sở đầu vào cho việc thiết kế chương trình hoặc quy hoạch, kế hoạch hành động cụ thể.

Thứ hai là cơ chế điều phối chung. Đến nay, ĐBSCL vẫn đang thiếu một cơ quan có chức năng điều phối vùng để phối hợp các hoạt động, xác định những ưu tiên cần tập trung. Hơn thế, cơ quan này có thể triển khai các chương trình xuyên tỉnh và phân chia đồng đều lợi ích cho các bên tham gia. Việc xác định một cơ chế cụ thể cùng cách thức vận hành rất quan trọng để tìm ra giải pháp phối hợp các vấn đề chung của đồng bằng.

Thứ ba là vấn đề đầu tư. Để tạo động lực phát triển bền vững, cần đa dạng hóa các nguồn lực, từ ngân sách Trung ương đến thu hút vốn ODA, khối tư nhân, huy động đối ứng từ địa phương… Đầu tư phát triển bền vững không đơn giản chỉ là rót vốn vào, mà phải rót đúng ưu tiên và làm thế nào để nguồn vốn đó tác động mạnh mẽ nhằm tăng khả năng thích ứng, giảm thiểu tác động bất lợi của BĐKH và tạo ra đồng lợi ích về kinh tế - xã hội.

T14
Cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: MH

Cuối cùng và quan trọng nhất, đó là các hành động cụ thể triển khai Nghị quyết 120. Để lựa chọn hành động phù hợp cần dựa trên các ưu tiên, xác định thế mạnh khi triển khai hành động và có khung thời gian thực hiện rõ ràng. Quá trình triển khai phải gắn với công tác kiểm tra, đánh giá, giám sát chất lượng hành động và nếu cần sẽ có các biện pháp cải thiện, mở rộng quy mô trên cơ sở những kết quả khả quan.

Đây là bốn vấn đề mà tôi muốn trao đổi với Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương, các nhà tài trợ, đối tác phát triển của Việt Nam. Tất cả đều đóng vai trò tích cực ở ĐBSCL và nhiệm vụ này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của tất cả các bên.

PV: Tiếp theo, WB sẽ có những kế hoạch gì để giúp Chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu trong Nghị quyết 120?

Ông Ousmane Dione: WB đã hỗ trợ khu vực ĐBSCL trong một thời gian dài và chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ đối tác lớn, có trách nhiệm.

Hiện, WB đang đầu tư vào ĐBSCL khoảng hơn 1 tỷ đô la, bao gồm nhiều lĩnh vực, từ hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao kiến thức, quy hoạch vùng tới những hoạt động liên quan tới tưới tiêu và nông nghiệp, giảm thiểu tác động môi trường, quản lý rủi ro thiên tai, cơ sở hạ tầng đô thị...

Trong vòng 2 - 3 năm tới, dự kiến mức đầu tư sẽ tăng gần gấp đôi. WB đã đồng ý tài trợ một phần chi phí để xây dựng giao thông đường thủy ở vùng ĐBSCL theo hành lang Đông Tây, từ Cần Thơ tới cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và cả hành lang Bắc Nam, từ Đồng Nai tới Cái Mép - Thị Vải. Sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao ở khu vực này, đóng góp vào phát triển kinh tế chung của khu vực ĐBSCL. Việc sử dụng vận tải thủy cũng được đánh giá sẽ giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào nỗ lực chung của Việt Nam nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH.

Ngoài ra, một dự án đảm bảo an ninh về nước sẽ cung cấp nước sạch cho 7 tỉnh ĐBSCL nhằm giảm thiểu tác hại liên quan tới xâm nhập mặn, đặc biệt, vào mùa khô và khi có hiện tượng El nino.

WB lựa chọn hành động khi nhìn thấy được những yếu tố đầu tư có mục đích và đem lại hiệu quả cao. Không chỉ cải thiện cuộc sống của người dân mà mà đồng thời sẽ giúp ĐBSCL chuyển đổi phát triển kinh tế theo hướng thông minh hơn, bền vững hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!   

Hải Ngọc