Chủ động kiểm soát rác thải nhựa

Thời sự - Ngày đăng : 11:40, 06/06/2019

(TN&MT) - Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc, tiếp tục chung tay với cộng đồng quốc tế ngăn chặn hiểm họa ô nhiễm rác thải nhựa đối với môi trường sinh thái và sức khỏe người dân; cùng các tỉnh, thành phố trên cả nước, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức Lễ phát động Phong trào “Chống rác thải nhựa” năm 2019 sẽ diễn ra vào 9/6.
DSC 2996
Câu lạc bộ Bóng đá than Quảng Ninh tham gia thu gom rác thải nhựa Đại dương. Ảnh: Việt Hùng

Nhiều lo ngại

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra cho môi trường. Tại Việt Nam, ước tính mỗi người dân tiêu thụ sử dụng khoảng từ 30 - 40 kg nhựa/năm và là 1 trong 4 quốc gia tại châu Á (sau Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin) phát sinh rác thải nhựa nhiều nhất. Riêng hai thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông/ngày. Số lượng bao bì nhựa và túi ni lông sử dụng ngày càng gia tăng ở Việt Nam dẫn đến lượng thải bỏ tăng dần theo từng năm. Tỷ lệ rác thải bao bì, túi ni lông không được tái sử dụng, phải chôn lấp chiếm khoảng từ 5 - 8% tương đương với khoảng 2,5 triệu tấn/năm.

Rác thải nhựa và túi ni lông có thể do con người xả thải trực tiếp hoặc bị cuốn trôi theo nước mưa xuống cống, sông, ao, hồ, biển… sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng môi trường sống và sức khỏe con người; làm giảm diện tích ao, hồ, sông; gây cản trở các dòng chảy, tắc cống rãnh thoát nước. Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi ni lông lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxi đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, từ đó, khiến cây trồng chậm tăng trưởng.

Đặc biệt, các nhà khoa học trên thế giới đã xác định được tác động của các mảnh vụn nhựa có kích thước nhỏ (vi hạt nhựa) trong môi trường đã ảnh hưởng đến sức khỏe con người và động vật. Những mảnh rác thải nhựa sẽ bị phân nhỏ dưới các tác động cơ học thành các mảnh vụn nhựa nhỏ có kích thước dưới 5 mm. Do các dòng chảy sông, suối, dòng hải lưu, các mảnh nhựa vụn di chuyển trên sông, suối, biển và đại dương. Các động vật nuốt phải các vi hạt nhựa sẽ làm tắc khí quản gây ngạt thở, hoặc tác động xấu tới hệ hệ tiêu hóa, là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài động vật. Vi hạt nhựa phát sinh có nguồn gốc do rác thải nhựa phân hủy; sản xuất, chế tạo nhựa; từ những hạt nhựa siêu nhỏ có trong sợi vải, mỹ phẩm; từ hoạt động giao thông trên đất liền (bụi nhựa đường); từ sự bào mòn, hỏng hóc của các phương tiện giao thông biển... . Các vi hạt nhựa có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể của các loài sinh vật trong nước ngọt và trong môi trường biển; chúng có thể là vật trung gian gây tích tụ các loại hóa chất nguy hiểm, khi động vật ăn vào sẽ bị nhiễm độc, chất độc này lại được chuyển sang con người khi con người ăn các động vật đó.

Việt Nam khẩn trương hành động

Để giải quyết hiệu quả tình trạng “ô nhiễm trắng” trên phạm vi toàn cầu, tại các Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada, kỳ họp lần thứ 6 Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu tại TP. Đà Nẵng, Hội nghị WEF Davos 2019 Thụy Sỹ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất nhiều sáng kiến, kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có hành động hiệu quả, quyết liệt giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ và phát động của Liên Hợp Quốc về “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”, năm 2018, Bộ TN&MT đã phát động Phong trào “Chống rác thải nhựa” với sự tham gia của các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức quốc tế, và cam kết của các hiệp hội doanh nghiệp, các siêu thị, Trung tâm thương mại trong việc cắt giảm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Phong trào đã tạo được kết quả bước đầu với sự tham gia của các cơ quan truyền thông, nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể được triển khai ở như Phong trào “Ngày Chủ nhật Xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên - Huế thêm xanh - sạch - đẹp” ở Thừa Thiên - Huế; sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong gói sản phẩm rau xanh ở hệ thống các siêu thị Big C, Co.op mart,… đang hình thành liên minh các nhà bán lẻ chống rác thải nhựa, cùng rất nhiều hoạt động của cộng đồng trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó, chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường quản lý rác thải nhựa đã được đưa ra. Trong đó, có Nghị định số 38/2015/NĐ- CP về quản lý chất thải và phế liệu, yêu cầu phân loại chất thải nhựa tái chế trong chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp; chất thải phải được quản lý từ khâu phát sinh đến thu gom, vận chuyển và xử lý.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, giao trách nhiệm cụ thể cho từng Bộ, ngành trong hoàn thiện thống văn bản pháp luật và cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn; có phương án tăng thuế nhập khẩu đối với phế liệu nhựa, thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm hạt nhựa được tái chế từ nhựa phế liệu; tăng thuế bảo vệ môi trường đối với các sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường và sản phẩm có chứa hạt vi nhựa tiến tới chấm dứt việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy; sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải rắn; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa công nghệ và sản xuất thiết bị tái chế, xử lý chất thải rắn; rà soát, điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức. Trong thời gian tới chúng ta sẽ tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó, chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho phát triển kinh tế - xã hội...

Hải Ngọc - Châu Tuấn