ĐBQH Phan Ngọc Thọ: Cần hạn chế và cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần

Thời sự - Ngày đăng : 18:28, 31/05/2019

(TN&MT) - “Đề nghị Chính phủ tăng cường chính sách thu hút, hỗ trợ cho hoạt động xử lý rác thải; chính sách ưu đãi cho các hoạt động dịch vụ về môi trường; chính sách quốc gia về hạn chế và cấm dùng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần đối với một số sản phẩm; cũng như chính sách hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh sử dụng các bao bì thân thiện với môi trường…” - ĐBQH Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị như vậy khi ông phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 31/5

Mở đầug phát biểu của mình Đại biểu Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế bày tỏ sự thống nhất với bản báo cáo của Chính phủ đánh giá thực hiện nhiệm vụ kinh tế -  xã hội những tháng đầu năm 2019 và một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thực hiện trong thời gian qua.

Đại biểu Phan Ngọc Thọ
Đại biểu Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu sáng 31/5

Theo đại biểu, trong bối cảnh tác động của tình hình kinh tế thế giới, dịch bệnh gia súc diễn ra phức tạp, khí hậu nắng gắt trên diện rộng, Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo, các giải pháp kịp thời được triển khai với tinh thần bứt phá trong phát triển, tiếp tục khẳng định quan điểm cơ cấu lại và đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh quốc gia. Tôi xin tham gia và phản ánh một số ý kiến của cử tri địa phương.

Bên cạnh việc đề cập đến các vấn đề như: Thu hút đầu tư; Hiệp định CTPPP đã có hiệu lực mà Việt Nam là thành viên; Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế số là chủ trương lớn của Chính phủ... Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế bày tỏ sự quan tâm của mình đến công tác bảo vệ môi trường.

Đại biểu Phan Ngọc Thọ cho rằng: ô nhiễm môi trường, nhiều rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đã thực sự là vấn nạn toàn cầu. Trong đó, Việt Nam chúng ta đang phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực bởi nguy cơ và thực trạng ô nhiễm do rác thải đang diễn ra hàng giờ, hàng ngày.

Theo ông, nếu không có những giải pháp, hành động quyết liệt nhằm thay đổi nhận thức, cũng như chế tài đủ mạnh để hạn chế rác thải ra môi trường, đặc biệt rác thải nhựa trong sản xuất cũng như trong tiêu dùng. Cử tri Thừa Thiên - Huế đánh giá cao Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và kêu gọi cả nước chúng ta giải quyết rác thải nhựa. Đây là một trong những chủ trương được cử tri, dư luận cả nước đồng tình ủng hộ.

Thừa Thiên - Huế đã hưởng ứng chủ trương này thông qua phong trào "Ngày chủ nhật xanh", "nói không với túi nilon" và sản phẩm nhựa sử dụng một lần bước đầu đã làm thay đổi, nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường.

“Đề nghị Chính phủ tăng cường chính sách thu hút, hỗ trợ cho hoạt động xử lý rác thải; chính sách ưu đãi cho các hoạt động dịch vụ về môi trường; chính sách quốc gia về hạn chế và cấm dùng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần đối với một số sản phẩm; cũng như chính sách hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh sử dụng các bao bì thân thiện với môi trường...” - Đại biểu Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Đề cập đến dự án giải phóng Kinh thành Huế khu vực 1 của Thành phố Huế, Đại biểu Phan Ngọc Thọ cho biết, công tác di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương thực hiện giai đoạn 2019-2021. Người dân khu vực di dời phấn khởi, vui mừng được sự quan tâm của Chính phủ và Quốc hội.

Ủy ban nhân dân tỉnh đang tập trung và nỗ lực để triển khai các công việc liên quan đến việc giải phóng, di dời với tinh thần quyết liệt và trách nhiệm cao. Dự kiến trong tháng 9 sẽ hoàn thành khu tái định cư và thực hiện di rời các hộ thuộc khu vực 1 Kinh thành Huế trong tháng 10/2019.

Tuy nhiên, với quy mô kinh phí chi trả cho người dân lên đến 1880 tỷ trong giai đoạn 20129-2021 là quá lớn so với khả năng ngân sách của địa phương, đến nay Chính phủ đã bố trí 100 tỷ đồng. Ngân sách địa phương chủ yếu tập trung cho việc xây dựng khu tái định cư.

Vì vậy, sẽ rất khó khăn trong triển khai thực hiện bồi thường giai đoạn 2019 - 2021 với quy mô di dời 2.950 hộ như cam kết với dân nếu không được Chính phủ, Quốc hội quan tâm hỗ trợ kinh phí còn thiếu khoảng 1.780 tỷ đồng cho dự án này để chi trả bồi thường hỗ trợ cho dân.

“Bà con khu vực di dời rất mong muốn được Chính phủ, Quốc hội tiếp tục quan tâm để thực hiện ước mơ an cư lập nghiệp bao đời nay, có phần trách nhiệm bảo vệ di sản quốc gia và cảnh quan môi trường cho Cố đô Huế’ - Đại biểu Phan Ngọc Thọ nói.

Việt Hùng (lược ghi)