Chống rác thải nhựa ở Miền Trung: Thiết thực từ những mô hình của Hội phụ nữ

Thời sự - Ngày đăng : 09:25, 15/05/2019

(TN&MT) – Phong trào “ Chống rác thải nhựa” ở các tỉnh Miền Trung đang cho thấy những dấu hiệu tích cực. Không chỉ dừng ở các khu du lịch, các bãi tắm, nhà máy, xí nghiệp, công sở mà phong trào này còn lan tỏa ra mọi ngõ ngách của vùng quê. Nhiều mô hình hay, có tính thiết thực để nhằm giảm thiểu sự lệ thuộc vào rác thải nhựa đang được áp dụng. Trong đó, các Hội phụ nữ phát động phong trào đi chợ bằng những chiếc làn, túi vải… đã giảm sự lệ thuộc lớn vào những chiếc túi nilon…

Từ nhận thức đến hành vi

Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền đến các cấp hội viên tác hại mà rác thải nhựa đang gây ra. Thông qua tổ chức Hội, nhiều kế hoạch, hoạt động thiết thực đã được triển khai sâu rộng, gắn bó với cuộc sống hàng ngày mà hội viên, phụ nữ là người trực tiếp tham gia làm lực lượng nồng cốt.
 

Những chiếc làn đi chợ là hình ảnh quen thuộc đối với chị em phụ nữ phường Bến Thủy (TP Vinh)
Những chiếc làn đi chợ là hình ảnh quen thuộc đối với chị em phụ nữ phường Bến Thủy (TP Vinh)

Bà Dương Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ: “Muốn ra hành vi tốt thì trước hết phải có nhận thức tốt - Đây là kim chỉ nam để chúng tôi bắt đầu kế hoạch cho phong trào được triển khai đạt hiểu quả. Do đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, trước hết là làm thay đổi nhận thức bắt đầu từ cán bộ hội”.

Nói đi đôi với làm, Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh bắt đầu hành động từ chính cơ quan mình, ngoài nâng cao nhận thức về tác hại, Hội đã vận động cán bộ, hội viên xây dựng thói quen, hành vi sử dụng sản phẩm dễ phân hủy hoặc có thể tái chế, tái sử dụng để thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.  Cụ thể, việc thay thế các sản phẩm sử dụng thiết thực hàng ngày như bình đựng nước bằng nhựa nay thay bằng thủy tinh, đi chợ thường có thói quen sử dụng túi nilon thì nay thay bằng túi vải hoặc túi giấy, làn...
 

Hội Phụ nữ xã Hà Yên, Hà Trung ( Thanh Hóa) chung tay bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực
Hội Phụ nữ xã Hà Yên, Hà Trung ( Thanh Hóa) chung tay bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực

Giảm sử dụng tức là đang hạn chế được chất thải nhựa thải ra môi trường, từ suy nghĩ đến cách làm Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh dần xây dựng được những mô hình đạt hiệu quả. Cũng chính từ những mô hình này, qua phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc hội nghị đã tạo sức lan tỏa trong quần chúng nhân dân, từ đó nhiều mô hình được nhân rộng.

Mới đây, cuối tháng 4 năm 2019, Ban thường vụ Hội LHPN Hà Tĩnh đã tổ chức hội nghị phát động phong trào chống rác thải trong đội ngũ cán bộ 13 huyện, thành, thị và các đơn vị trực thuộc. Theo đó, các đơn vị đã triển khai kế hoạch tổ chức phát động trong cán bộ hội viên phụ nữ. Kết quả đến nay, đã triển khai đến tận 100% cán bộ hội từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay, các cấp hội đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn đến các đối tượng Hội viên phụ nữ.

Báo cáo của Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, qua tổ chức đã đẩy mạnh, cũng cố, vận động, hỗ trợ thành lập trên 7.700 mô hình vận động hội viên, phụ nữ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, cảnh quan đường làng ngõ xóm như tổ/nhóm/ chi hội thực hiện các tiêu chí “3 sạch” như tổ “phụ nữ tự quản bảo vệ môi trường, thu gom rác thải”, mô hình “mười hộ liền kề”. Phải kể đến một số đơn vị tiêu biểu như Hội LHPN huyện Hương Khê, huyện Nghi Xuân với mô hình sử dụng làn đi chợ thay thế sản phẩm túi nilong.
 

Dùng làn đi chợ thay thế túi nilon là phong trào mà Hội phụ nữ phường Bến Thủy (TP Vinh) là đơn vị tiên phong tại địa phương này
Dùng làn đi chợ thay thế túi nilon là phong trào mà Hội phụ nữ phường Bến Thủy (TP Vinh) là đơn vị tiên phong tại địa phương này

Nổi bật như mô hình thu gom rác thải nhựa, xây dựng quỹ chi hội ở huyện Hương Sơn. Nói về tính hiệu quả của mô hình này, bà Dương Thị Hằng, phấn khởi chia sẽ: “Sạch sẽ sinh ra văn minh. Nhiều mô hình thu gom, phân loại rác thải nhựa được hoạt động theo tổ, hàng tháng lượng rác thải tập hợp sẽ đem bán và cho vào khoản quỹ rác thải. Không chỉ môi trường sống được sạch sẽ mà còn tạo ra những khoản tiền từ chính rác thải, được tích cóp, sử dụng vào việc giúp những hội viên có hoàn cảnh khó khăn”.

Cùng đồng hành với các cấp Hội, Hội phụ nữ xã Hà Yên, huyện Hà Trung, Thanh Hóa lại có phong trào Phụ nữ vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng hoa 2 bên đường; thành lập tổ vệ sinh tự quản. Theo bà Nguyễn Thị Đua, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hà Yên tâm sự: Để có được những “đường hoa”, đường làng ngõ xóm sạch sẽ không như ngày hôm nay. Hội Phụ nữ chúng tôi đã thường xuyên tuyên truyền, vận động chị em thay đổi cách nghĩ, cách làm. Khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 198 về chống rác thải nhựa, Hội đã vận động chị em đi chợ bằng làn hoặc túi cói, kiên quyết nói không với túi nilong.

Sức lan tỏa ngày càng lớn

Có thể nói, nhiều địa phương như TP Vinh (tỉnh Nghệ An), huyện Hương Khê, Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh), TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) hay huyện vùng biển Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) thời gian qua đã hình thành nên những cách làm hay giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa thải ra môi trường.

Sử dụng làn, hộp nhựa đi chợ, đó là một trong những hoạt động xanh mà các bà, các mẹ ở TP Vinh đang âm thầm thực hiện nhằm hạn chế lượng túi ni lông thải ra môi trường. Phong trào được bắt đầu từ ngày 20/10/2018, hình ảnh các mẹ, các bà, chị em xách làn nhựa đi chợ mỗi sáng dần trở nên quen thuộc với nhiều người dân khối 4, phường Bến Thủy, TP Vinh.
 

Đi chợ bằng làn đựng đồ cũng được chị em phụ nữ ở TP Đồng Hới (Quảng Bình) hưởng ứng tích cực
Đi chợ bằng làn đựng đồ cũng được chị em phụ nữ ở TP Đồng Hới (Quảng Bình) hưởng ứng tích cực

Bà Nguyễn Thị Kim Liên - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ khối 4 cho biết, hoạt động sử dụng làn, hộp nhựa thay túi ni lông được Hội Phụ nữ phường Bến Thủy triển khai bắt đầu vào ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Bà Liên nhầm tính: “Mỗi lần đi chợ, tính sơ sơ một người phải sử dụng ít nhất 5 đến 6 túi ni lông. Với lượng sử dụng như vậy thì trung bình 1 người dùng khoảng 150 -180 túi/tháng, một năm lên đến 4.500 đến gần 5.000 túi. Những con số này khiến không ít người phải giật mình".

Do đó, khi được Hội Phụ nữ phường Bến Thủy chọn là điểm triển khai kế hoạch "Sử dụng làn, hộp nhựa thay túi ni lông", nhiều chị em trong khối nhiệt tình hưởng ứng. Vào ngày phát động, 140 chiếc làn đã được phát cho các thành viên khối 4. Theo bà Liên, mới đầu, các tiểu thương ở chợ ngạc nhiên khi thấy nhiều chị em khối 4 dùng làn và yêu cầu không dùng túi ni lông: Rau thì cho vào làn, đồ ăn như thịt, cá cho vào hộp nhựa. Tuy nhiên, khi nghe giải thích thì mọi người cũng hiểu và hưởng ứng.

Bà Phan Thị Tuyết - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Bến Thủy cho biết, việc triển khai kế hoạch "Sử dụng làn, hộp nhựa thay túi ni lông" được bà ấp ủ, lên kế hoạch từ lâu. Với thành công bước đầu của phong trào tại Khối 4 thì sắp tới sẽ nhân rộng mô hình ở nhiều khối khác của phường Bến Thủy".
 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của cộng đồng là vấn đề then chốt trong phong trào “Nói không với rác thải nhựa”
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của cộng đồng là vấn đề then chốt trong phong trào “Nói không với rác thải nhựa”

Được biết, ngoài phường Bến Thủy, nhiều phường ở TP Vinh như Trung Đô, Hưng Phúc triển khai các hoạt động kêu gọi các chị em sử dụng làn, hộp nhựa để hạn chế sử dụng bao ni lông bảo vệ môi trường.

Tại tỉnh Quảng Bình, Hội Liên hiệp phụ nữ TP Đồng Hới đã triển khai nhiều mô hình “Nói không với rác thải nhựa” tại 16 xã phường và được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Tiêu biểu như, mô hình “phân loại rác thải tại nhà” ở phường Bắc Lý, đã được triển khai từ cuối năm 2016, đến nay có thêm phường Hải Thành và xã Bảo Ninh đã triển khai mô hình này. Mục đích của mô hình này là tuyên truyền vận động chị em phụ nữ của mỗi gia đình phải có thùng rác, phân loại rác thành 2 loại: túi rác vô cơ và túi rác hữu cơ, trong đó rác vô cơ phải thu gom lại loại rác mà có thể bán được, để làm quỹ hoạt động của chi hội phụ nữ tại đây, còn đối với rác hữu cơ cò thể dùng để chăn nuôi, làm phân bón.

Mô hình thứ 2 cũng được người dân hưởng ứng là tại phường Đồng Phú, với khẩu hiệu “Phụ nữ Đồng Phú chung tay, nhà sạch- ngõ đẹp- phố văn minh”. Những hộ gia đình tự bỏ tiền ra để mua các thùng rác bỏ ngoài cửa theo các trục đường, trước các nhà hàng quán ăn, điểm dân cư sinh hoạt cộng đồng, đến nay tại phường Đồng Phú đã đặt được 137 thùng rác. Mô hình này cũng đã được nhân rộng ra phường Đồng Mỹ và xã Bảo Ninh.

Nhằm đẩy mạnh phát động mô hình “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”, đầu tháng 4/2019, với hơn 300 người tham gia, chủ yếu là các tiểu thương tại thành phố. Với khẩu hiệu sử dụng túi vải khi đi mua hàng hóa, đi chợ, hạn chế và dần bỏ thói quen sử dụng túi ni lông. Số lượng túi vải được phát trên 1.100 túi.

Chị Nguyễn Thị Thương, trú tại phường Hải Thành, TP Đồng Hới nhiều năm qua vẫn thường xuyên dùng làn nhựa để đi chợ cũng như đi mua sắm, cho biết: “Vừa rồi chúng tôi cũng được phổ biến về việc phân loại rác thải và hạn chế sử dụng túi nilon. Thực tế thì từ nhiều năm nay tôi đã có thói quen dùng làn nhựa để đi chợ rồi nên hầu như trong nhà tôi rất ít khi thấy túi nilon”.

Cũng vào giữa tháng 4/2019, Hội liên hiệp phụ nữ TP Đồng Hới và Ban Quản lý các bãi tắm Quảng Bình cũng đã thực ký kết với 16 xã, phường về việc hạn chế sử dụng túi nilon “Nói không với rác thải nhựa”, khiến khích người dân đi chợ sử dụng túi vải, làn nhựa thay cho túi nilon. Đặc biệt, chú trọng tại các bãi biển, khu di lịch sinh thái, di tích, các điểm lễ hội…Tuyên truyền phổ biến về tác hại của rác thải nhựa, tại các trường học.

Còn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Vang đã triển khai mô hình “Nói không với túi ni lông, đi chợ bằng giỏ nhựa” nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ trên địa bàn.

Đến đầu năm 2018, mô hình đã lan ra 9 xã đầm phá. Ngoài số giỏ nhựa cấp cho các chi hội để phân phát về cho các phụ nữ, nhiều chị em đã tự mua sắm, tự sử dụng để tích cực tham gia hưởng ứng mô hình này.

“Mô hình này rất dễ được nhân rộng vì vừa sức với chị em, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Lợi thế ở nông thôn là các mẹ, các chị trực tiếp từ nhà đến thẳng chợ nên việc xách giỏ đi chợ dễ duy trì và nhân rộng. Những trường hợp không dùng giỏ đi chợ đã được các chị em hội viên đến tận các điểm chợ để tuyên truyền, nhắc nhở từ người bán hàng đến người dùng, hạn chế sử dụng túi ni lông. Cùng nhìn nhau, nhắc nhau, nên ý thức của nhiều người đã được nâng lên...”, chị Ngô Thị Lệ Thu - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Vang chia sẻ.

Nói về mô hình “Nói không với rác thải nhựa”, bà Mai Thị Nhàn - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ TP Đồng Hới, chia sẻ: “Nói không với rác thải nhựa là hoạt động thường niên của chị em phụ nữ Đồng Hới và nhiều mô hình được thực hiện từ nhiều năm rồi và được người dân hưởng ứng và thực hiện rất có hiệu quả. Ngay tại Hội mình cũng tuyên truyền hạn chế sử dung rác thải nhựa bằng cách vận động chị em mua làn nhựa, túi vải để đi chợ, tái sử dụng được nhiều lần. Mục đích của các mô hình “Nói không với rác thải nhựa” hướng đến “Chung tay xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và văn minh đô thị. Sắp tới, Hội Liên hiệp phụ nữ TP Đồng Hới sẽ xây dựng đề án sử dụng túi vải để đi chợ thay cho túi nilon và nhân rộng ra 16 xã, phường tại thành phố Đồng Hới”.

Nhóm PV Miền Trung