Chống rác thải nhựa: Thiếu vắng các công ty lữ hành và du lịch

Thời sự - Ngày đăng : 10:02, 07/05/2019

(TN&MT) - Được thiên nhiên ưu đãi, ngành du lịch của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển. Tuy vậy, vấn đề ô nhiễm do thói quen xả thải rác bừa bãi đã và đang là rào cản lớn khiến ngành du lịch không khai thác hết được tiềm năng vốn có. Thế nhưng, trong “cuộc chiến” chống rác thải nhựa, ngành du lịch hành động rất “yếu ớt”.
Bờ biển ở Nha Trang
Một góc biển Nha Trang. Ảnh: MH

Chưa được quan tâm

Đánh giá về du lịch Việt Nam những năm gần đây, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khẳng định, du lịch có nhiều cải thiện, nhưng nhiều chỉ số liên quan đến môi trường đứng ở gần cuối bảng xếp hạng như: mức độ bền vững về môi trường (hạng 129/136), các quy định lỏng lẻo về môi trường (hạng 115/136), mức độ chất thải (hạng 128/136)…

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành du lịch có thể góp sức mình từ những việc nhỏ nhất. Đó là các công ty du lịch hiện nay, vẫn phát túi, mũ cho các khách hàng như những món quà lưu niệm, nay, có thể thay thế bằng việc phát bình nước thủy tinh hoặc inox. Việc sử dụng một chiếc bình có thể tái sử dụng sẽ thuận tiện và tiết kiệm hơn cho du khách thay vì mua nước đóng chai. Trong các khách sạn, nhà nghỉ hãy để sẵn những chiếc bàn chải làm từ tre để thay thế bàn chải nhựa...

Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT, phát triển du lịch không nên lấy yếu tố lợi nhuận làm mục tiêu, mà còn phải tính đến việc sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả và nhân văn nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa mà cha ông để lại. Chúng ta cần sử dụng các nguồn tài nguyên du lịch một cách hợp lý và giảm thiểu chất thải ra môi trường.

Còn ông Miquel Angel P. Martorell, Tổng Giám đốc Oakwood Worldwide (Tập đoàn chuyên về vận hành dịch vụ khách sạn) cho hay: Sống tại Việt Nam gần hai thập kỷ, tôi có cảm giác phát triển du lịch bền vững và quản lý rác thải không phải là một trong những ưu tiên của Việt Nam. Thực tế, một số điểm du lịch tiềm năng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, một số khác bị phá hoại bởi hoạt động xây dựng thiếu sự giám sát của những cá nhân, tổ chức có chuyên môn về môi trường. Một số biển, bờ biển bị ô nhiễm nặng, nhiều ngọn núi, cao nguyên bị bao phủ bởi rác thải nhựa, rác sinh hoạt tích tụ trong nhiều năm.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Sỹ Nguyên - Trưởng Khoa Du lịch Đại học Đại Nam nhấn mạnh: Tình trạng ô nhiễm biển đã khiến doanh thu của ngành du lịch sụt giảm rất nghiêm trọng trong những năm gần đây khi không khai thác được tiềm năng cũng như không giữ chân được du khách trong và ngoài nước. Ô nhiễm biển đang kìm hãm sự phát triển của du lịch; tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển; làm hại đến cuộc sống, sức khỏe và tương lai của con người… Nếu không kịp thời hành động, tác hại sẽ khôn lường.

Góp sức như thế nào?

Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN) vừa phối hợp với Công ty TNHH Du Thuyền Bhaya tổ chức Chương trình “Hành động vì Hạ Long xanh: hướng tới du lịch không rác”. Qua đó, huy động hơn 100 tình nguyện viên (TNV) là đại diện đến từ các công ty du thuyền, đại lý du lịch và các tổ chức phi Chính phủ… dọn rác ở 2 địa điểm gồm bãi Cọc Chèo và bãi Áng Dù. Bộ VH-TT&DL, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động Chiến dịch Bảo vệ môi trường mang tên “Biển Việt Nam xanh”. 1.200 người của 5 tỉnh, thành ven biển miền Trung gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng tham gia chung tay dọn sạch môi trường biển.

anh 2
Đồng loạt ra quân dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải, làm sạch bãi biển, tạo hiệu ứng tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường ở Hà Tĩnh

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, những phong trào này mới chỉ xử lý ở phần ngọn. Các cơ quan chức năng cũng như ngành du lịch có thể làm được nhiều hơn thế. Cụ thể, ngành du lịch có thể ra các văn bản yêu cầu các công ty lữ hành thực hiện quy định đem rác đi hải đem rác về, đặc biệt, với các chuyến đi đến các đảo. Các công ty phải tập huấn cho các hướng dẫn viên, các đơn vị lữ hành phát các túi giấy, các túi thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông, dùng cốc giấy, ống hút… trên các chuyến xe và người hướng dẫn viên sẽ là người xin lại các rác thải nhựa mà du khách cầm lên xe, tàu.

Ngoài ra, đối với các đơn vị kinh doanh nhà hàng phải giao trách nhiệm quản lý môi trường tại chính chỗ kinh doanh. Đơn vị kinh doanh khu vực nào, có trách nhiệm nhắc nhở, dọn và giữ sạch chí ít là một phạm vi quanh đó. Vi phạm cảnh cáo, đình chỉ, rút phép kinh doanh, làm tốt, nên xem xét giảm một phần nghĩa vụ thuế….

Trong danh sách các đơn vị ký cam kết tại Lễ phát động Phong trào chống rác thải nhựa do Bộ TN&MT phát động thiếu bóng dáng của các đơn vị lữ hành du lịch... Cho đến nay, đã có tới 60 tổ chức, đơn vị... cam kết và triển khai các hành động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa nhưng các công ty lữ hành, khách sạn thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu, thậm chí, loại bỏ sản phẩm nhựa chỉ tính trên đầu ngón tay.

Linh Chi