Đô thị với sự cố môi trường

Xã hội - Ngày đăng : 09:58, 15/10/2019

(TN&MT) - Chưa hoàn hồn sau vụ cháy nhà máy công nghiệp, Hà Nội lại phải đối mặt với ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tâm lý của người dân Thủ đô.

Với những gì đang diễn ra, rõ ràng, chưa bao giờ các đô thị lại đứng trước nhiều thách thức như lúc này. Nếu như trước đây, người ta mới chỉ “nhìn thấy” những mối đe dọa của mưa lũ, triều cường, ô nhiễm khói bụi… thì bây giờ, những nguy cơ lại “mở rộng” hơn trên nhiều phương diện. Tất cả đang đòi hỏi cần một nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế cho các đô thị Việt Nam.

Hệ thống đô thị nước ta đang phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng đô thị còn thấp; trình độ và năng lực quản lý và phát triển đô thị còn thấp so với yêu cầu. Kết cấu hạ tầng đô thị yếu kém, quá tải không những không tạo điều kiện cho sự phát triển KT - XH đô thị, mà còn làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường.

ha noi mua lon nhieu tuyen duong un tac hinh anh31197050889
Ảnh minh họa.

Để phát triển đô thị hóa bền vững, chúng ta cần tiến hành xây dựng các hệ thống hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường phải đi trước một bước. Trên thực tế, đô thị hóa ở nước ta nhiều nơi, nhiều lúc còn mang tính chủ quan; muốn nhanh chóng tăng dân số đô thị để được nâng cấp đô thị (như nâng cấp đô thị loại V thành loại IV, loại IV thành loại III…) nên đã mở rộng đô thị bằng cách ghép các làng xã có 100% sản xuất nông nghiệp vào đô thị để tạo thành các phường mới. Việc này đã tạo ra tình trạng có nhiều làng xã nông nghiệp tồn tại lâu dài trong đô thị và phát sinh các vấn đề rất nan giải đối với xây dựng và phát triển hệ thống kỹ thuật bảo vệ môi trường đô thị.

Không những thế, các đô thị nước ta tồn tại phổ biến tình trạng thiếu quỹ đất dành cho giao thông, tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa đảm bảo theo yêu cầu. Theo số liệu thống kê, tại các đô thị lớn, các chỉ tiêu về hạ tầng giao thông chỉ đáp ứng được khoảng 35 - 40% so với nhu cầu cần thiết. Thế nên, khi xảy ra một sự cố môi trường nào đó, tốc độ ảnh hưởng tiêu cực sẽ lây lan với mức độ thiệt hại rất cao.

Rõ ràng, trong tầm nhìn tổng thể nhằm hoàn thiện hệ thống đô thị của cả nước - các chiến lược phát triển của Việt Nam phải giải quyết được các điểm chưa nhất quán giữa những gì của hiện tại và những gì cần làm trong tương lai.

Các viễn cảnh đô thị hóa trong tương lai của Việt Nam đã đặt ra trước vấn đề chuẩn bị các quy hoạch phát triển vùng, tỉnh và chiến lược phát triển cho các đô thị có vai trò nổi bật. Các nhà quản lý và hoạch định quy hoạch cần phải có khả năng đánh giá được mức độ thiếu hụt cần bù đắp, khả năng Việt Nam có thể đáp ứng và vượt qua - đặc biệt là vấn đề ứng phó với những sự cố về môi trường trong đô thị. Nhằm xóa bỏ khoảng cách này, các cơ quan chuyên môn cần đánh giá được các nhu cầu thực tế, các rủi ro và chi phí cần được tính toán kỹ lưỡng, chuẩn bị nguồn lực về tài chính, nhân lực và các nguồn lực khác.

Liên Hợp Quốc đã đưa ra Quy ước về đô thị phát triển bền vững với các quy định trong sử dụng năng lượng, chất thải, giao thông, cung cấp nước sạch, thoát nước, thiết kế đô thị... Nếu căn cứ theo những tiêu chí trong quy ước này thì chúng ta còn lâu mới tiến kịp, nhất là trong vấn đề xử lý giao thông, cung cấp nước sạch, xử lý chất thải và thoát nước, sự cố môi trường.

Vượt qua những thách thức đó, viễn cảnh sáng với công cuộc đô thị hóa ở Việt Nam tất thành hiện thực. Còn không, những “khủng hoảng” kiểu như nguồn nước sông Đà đang diễn ra với Hà Nội vẫn có nguy cơ lặp lại.

Ngọc Lý