Nước đến chân “khó” nhảy!
Môi trường - Ngày đăng : 09:57, 15/10/2019
Thiên tai và nhân tai như hình với bóng, bất cứ ở đâu có nhân tai thì sớm hay muộn sẽ có thiên tai. Đã có không ít các cuộc hội nghị, hội thảo, bàn tròn “mổ xẻ” hệ lụy và hậu quả của nó. Chúng đã thẳng thắn chỉ ra “thủ phạm” nằm ngay trong những lỗ hổng về chính sách, quản lý. Và hệ lụy là nạn phá rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên, xả nước thải, chất thải ra môi trường hoặc đầu độc các nguồn nước ngầm, nước mặt, quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn…
Rừng bị phá tan hoang hóa thân thành những ngôi nhà gỗ kỳ vĩ và quy thành những đồng tiền nhuốm mùi lợi ích nhóm, những dự án được phê duyệt bằng sự bôi trơn mềm mại. Và hệ quả là lũ xuất hiện với tần suất cao. Lũ như những con “thú rừng” bị chọc giận, tấn công và phá hủy tất cả khi chúng đi qua.
Sông chảy qua đồng ruộng, làng mạc chở phù sa cần mẫn bồi đắp nuôi dưỡng con người từ triệu năm qua, đột nhiên trở nên hung dữ. Những con đập thủy điện được cài cắm trên những thượng nguồn, có thể tạo ra nhiều điện, tạo ra thêm của cải. Nhưng những con đập đó liệu có tạo thêm hạnh phúc, phồn vinh bền vững cho đại đa số người dân?!
Nhìn vào quy hoạch đô thị chúng ta thấy điều gì? Những trận mưa “cực đoan” trút xuống các thành phố - những hình mẫu phát triển kinh tế của cả nước, chỉ vài giờ, đã gây ngập trên diện rộng chưa từng có trong lịch sử vẫn là đề tài nóng hổi. Xe trôi theo dòng nước, đường phố hóa sông, hàng ngàn con người ngơ ngác mệt nhoài vật lộn với kẹt xe, thuyền chạy, cá lội trên đường,... Có lãng mạn nhất cũng khó tưởng tượng ra viễn cảnh như thế.
Chúng ta nhìn thấy điều đó trong nhiều năm, nhưng lại thiếu đi sự phản tỉnh, thiếu quan tâm đến thành phố được quy hoạch thế nào, cầu cống ra sao, hàng trăm ngàn tỷ đồng đổ vào các dự án chống ngập nhưng hễ mưa lớn là nước chẳng có lối thoát…?
Chúng ta lại im lặng trước những dự án bất động sản được quảng cáo rầm rộ, lóa mắt trước những khu đô thị đẳng cấp thế giới. Chúng ta tự hào với những công trình mọc lên giữa con đường thoát nước. Chúng ta quen coi lấp sông, ngăn dòng là việc của máy ủi, máy xúc vô tri vô giác!?
Nhìn xa hơn khi Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước ngọt, những cơn lũ mang theo sự sống ngày càng thưa dần, triều cường, cá chết, biển nhiễm độc… những nơi còn lại thấy mình vô can?
Có thể những trận lũ lịch sử đã không diễn ra với mức độ tàn khốc nếu chúng ta đồng thanh lên tiếng, lên án về những công trình xây dựng ngay trên rừng phòng hộ, hay rừng đặc dụng gây tranh cãi, về hệ thống thoát nước ngàn tỷ có mùi lợi ích nhóm, hay một chính sách đô thị hóa sai lầm.
Nếu chúng ta cứ mãi im lặng, thờ ơ, đó sẽ là một thứ nhân tai khủng khiếp làm bệ đỡ cho thiên tai xuất hiện. Đừng để “nước đến chân khó nhảy”!