Tiếp bài “Ngang nhiên tranh chấp đất người khác bằng hồ sơ giả mạo?”: Làm đơn tố giác tội phạm nếu có dấu hiệu giả mạo giấy tờ

Tiếng dân - Ngày đăng : 19:12, 13/10/2019

(TN&MT) – Trao đổi với PV xung quanh sự việc lô đất của anh Phạm Văn Thông, ở xóm 13, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc được xã cấp từ năm 1995 nhưng bỗng dưng bị người khác giả mạo giấy tờ để tranh chấp. Đại diện Phòng TN&MT huyện Nghi Lộc cho rằng, nếu thấy có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, giấy tờ thì công dân có thể làm đơn tố giác tội phạm lên cơ quan Công an.

Dấu hiệu giả mạo hồ sơ

Như Báo TN&MT ngày 27/9/2019 đã phản ánh, ông Phạm Văn Trung (nay đã mất) ở xóm 13, xã Nghi Phong (huyện Nghi Lộc) có 3 người con trai (trong đó có anh Phạm Văn Thông) nên viết đơn gửi lên xã xin cấp một thửa đất ở để con ông lớn lên tách hộ. Đơn xin cấp đất của ông Trung hợp lý nên đến ngày 20/10/1995, UBND xã Nghi Phong do ông Phùng Văn Bình, Chủ tịch UBND xã đã ký xác nhận cấp đất cho ông Trung. Gia đình cũng đã nộp tiền có biên lai đầy đủ với số tiền 421 nghìn đồng. Do nhiều lý do khác nhau nên gia đình chưa có điều kiện để xin cấp GCNQSDĐ vào thời điểm đó.
 

Mảnh đất đang xảy ra tranh chấp
Mảnh đất đang xảy ra tranh chấp


Bẵng đi một thời gian, mới đây anh Hoàng Xuân Lâm, ở xã Nghi Xuân (cạnh bên), huyện Nghi Lộc có đơn gửi cơ quan chức năng đòi lấy miếng đất của anh Thông. Lý do anh Lâm đưa ra là vào năm 1995, bố anh Thông là ông Phạm Văn Trung đã làm thủ tục chuyển nhượng miếng đất nói trên với diện tích 289m2 cho bố anh là ông Hoàng Minh Sơn. Sự việc xảy ra đã khiến cho quá trình làm hồ sơ, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của anh Phạm Văn Thông đối với miếng đất nói trên gặp trở ngại.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ, giấy tờ để anh Hoàng Xuân Lâm đòi đất chúng tôi thấy nhiều điều bất thường, có dấu hiệu giả mạo rất rõ ràng.

Thứ nhất, UBND xã Nghi Phong thời đó xác nhận đồng ý giao đất cho ông Phạm Văn Trung vào ngày 20/10/1995; thế nhưng UBND xã Nghi Phong khi đó là ông Phùng Văn Bình, làm Chủ tịch lại ký xác nhận chuyển nhượng mảnh đất nói trên của ông Trung cho ông Hoàng Minh Sơn vào ngày 15/10/1995. Tức là chuyển nhượng đất trước khi có quyết định giao đất? Đây là điều không thể xảy ra.
 

Phiếu thu tiền đất 421 nghìn đồng của UBND xã Nghi Phong đối với anh Thông
Phiếu thu tiền đất 421 nghìn đồng của UBND xã Nghi Phong đối với anh Thông

Thứ hai, giấy chuyển nhượng đất nói trên ghi rõ ngày 01/11/1995 nhưng dấu xác nhận của UBND xã Nghi Phong vào biên bản này lại đề ngày 15/10/1995; tức là UBND xã xác nhận vào biên bản chuyển nhượng đất này trước khi biên bản được lập tận hơn…2 tuần? Một sự giả mạo trắng trợn.

Cũng cần phải nói thêm rằng, trong giấy chuyển nhượng đất giữa ông Trung và ông Sơn cũng chỉ ghi chung chung, không ghi số diện tích, không có địa chỉ thửa đất mà chỉ ghi: Mảnh đất thuộc trục dọc đường nghĩa trang. Số thửa đất chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng cũng như số tiền “giao kèo” giữa 2 bên cũng không hề có.

Đang làm đơn “tố giác tội phạm”

Liên quan đến sự việc nêu trên, sáng ngày 10/10/2019, PV đã có buổi làm việc với ông Hoàng Mạnh Hà – Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Nghi Lộc. Tại buổi làm việc, ông Hà cho biết cơ quan chức năng huyện Nghi Lộc đã tiếp nhận được đơn phản ánh sự việc của anh Phạm Văn Thông và báo cáo sự việc từ UBND xã Nghi Phong. “Kiểm tra sự việc thì có 2 vấn đề. Thứ nhất là vấn đề cấp đất, giao đất trái thẩm quyền của xã từ những năm 1994; sau này có một giấy tờ chuyển nhượng giữa ông Trung và ông Sơn và cả 2 trường hợp này đều chưa được cấp GCNQSDĐ mà đang ở giấy tờ xã xác nhận nhưng bây giờ phát sinh tranh chấp mà tranh chấp này thuộc giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất chứ chưa phải được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Nên sự việc này giải quyết theo hướng hòa giải của xã, nếu xã không hòa giải được thì khởi kiện ra tòa; còn nếu phát hiện thấy có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, giấy tờ thì làm đơn “tố giác tội phạm” gửi cơ quan công an để họ vào cuộc” – Ông Hà, cho biết.
 

Biên bản giao đất của UBND xã Nghi Phong đối với ông Phạm Văn Trung (bố anh Thông) là ngày 20/10/1995
Biên bản giao đất của UBND xã Nghi Phong đối với ông Phạm Văn Trung (bố anh Thông) là ngày 20/10/1995


Cũng theo ông Hà, miếng đất của ông Trung mới ở diện tạm giao nhưng nếu ông Trung và gia đình sử dụng mảnh đất đó ổn định liên tục, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và chứng minh được việc giao đất tại thời điểm đó là đúng mục đích, đúng hiện trạng thì vẫn được cấp GCNQSDĐ bình thường. Điều này đã được quy định rõ tại Điều 23, Quyết định 16/2018/QĐ-UBND, ngày 03/4/2018 của UBND tỉnh Nghệ An Quyết định quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở và đất vườn, ao gắn liền với đất ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
 

Giấy chuyển nhượng giữa ông Trung và ông Sơn đề ngày 01/11/1995 nhưng xã lại xác nhận vào giấy này ngày 15/10/1995 - Nghĩa là xác nhận trước khi có giấy này tới 16 ngày
Giấy chuyển nhượng giữa ông Trung và ông Sơn đề ngày 01/11/1995 nhưng xã lại xác nhận vào giấy này ngày 15/10/1995 - Nghĩa là xác nhận trước khi có giấy này tới 16 ngày


Trước đó, trao đổi với PV vào ngày 26/9/2019, ông Nguyễn Đình Hải, Chủ tịch UBND xã Nghi Phong cho rằng, UBND xã đã tổ chức hòa giải sự việc giữa anh Lâm và anh Thông tới 3 lần nhưng các bên chưa nhất trí. Mặt khác, khi xem các hồ sơ, tài liệu liên quan đến sự việc thì ông Hải cũng tỏ ra rất bất ngờ và thể hiện sự lúng túng vì các giấy tờ mà anh Hoàng Xuân Lâm dùng làm cơ sở để đòi đất của anh Thông có nhiều điểm vô lí. “Đúng là vô lý thật.

Chiều ngày 10/10/2019, trao đổi sự việc với PV, anh Phạm Văn Thông cho biết: “Hiện, tôi và gia đình hết sức bức xúc về sự việc bỗng dưng bị giả mạo giấy tờ để tranh chấp đất một cách vô lý. Tôi đang làm đơn tố giác tội phạm gửi cơ quan Công an tỉnh Nghệ An để họ vào cuộc điều tra làm rõ, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật”.

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này.

Đình Tiệp