Yên Bái: Nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chí môi trường

Tin tức - Ngày đăng : 09:17, 11/10/2019

(TN&MT) – Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), công tác bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên việc thực hiện và duy trì tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm tại nhiều địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn.
1
Người dân ở vùng nông thôn đã có ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường

Tỉnh Yên Bái có 157 xã, trong đó có 81 xã đặc biệt khó khăn, tính đến ngày 30/9/2019 đã có 56/157 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong 19 tiêu chí, tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm được xác định là một trong những tiêu chí khó thực hiện và duy trì. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp luôn quan tâm, huy động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường ngay tại cơ sở.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Yên Bái về xây dựng NTM, công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có bước đột phá lớn, ý thức của người dân ngày được nâng lên. Cụ thể trong giai đoạn 2011-2015 đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp trên 19 công trình nước sạch tập trung, trên 75 điểm thu gom xử lý rác thải và hàng nghìn nhà tiêu hợp vệ sinh. Tính đến hết năm 2015, tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt 85% và có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 56%. Trong giai đoạn 2016-2019 toàn tỉnh đã xây mới 4 khu xử lý nước thải, 1 công trình nước sạch; tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 88,6% và có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 62,1%.

Ông Chu Đức Hiền – Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết: Xã Đào Thịnh đã về đích NTM năm 2016, nhờ đó mà diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực. Trong xã đã hình thành các đội tự quản về vệ sinh môi trường, các tuyến đường liên thôn luôn được bà con thường xuyên dọn vệ sinh. Tại mỗi hộ gia đình, xã cũng tích cực vận động người dân tự đào hố rác để thu gom và xử lý, tránh tình trạng vứt rác bừa bãi. Đến giờ ý thức của người dân về bảo vệ môi trường đã được nâng lên rất nhiều.

2
Nhiều địa phương đã hình thành các đội tự quản vệ sinh môi trường, thường xuyên vệ sinh đường làng ngõ xóm

Tuy nhiên, việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường cũng như duy trì và nâng cao tiêu chí này tại một số địa phương vấn còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Đức Điển – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình chia sẻ: Trong quá trình xây dựng NTM, môi trường nông thôn của huyện đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên huyện cũng xác định đây là một trong những tiêu chí khó thực hiện. Trước tiên là do ý thức của người dân trong giữ gìn môi trường sống của cộng đồng dân cư nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế. Hoạt động chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp và rác thải sinh hoạt của người dân chủ yếu mới xử lý theo quy mô hộ gia đình tại chỗ. Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất chế biến gỗ và sản xuất dịch vụ có lượng nước thải phát sinh nhưng chưa quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường.

“Chúng tôi cũng xác định tiêu chí về môi trường là một trong những tiêu chí cần được quan tâm, trước hết phải tiếp tục tuyên truyền tới người dân về phương pháp và cách làm hay ở một số địa phương khác để người dân làm theo. Đồng thời cũng cần phải có các hoạt động cụ thể như: Tổ chức Ngày chủ nhật xanh, thành lập các đội tự quản trên các tuyến đường… để giữ gìn vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó cần tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các đơn vị cá nhân vi phạm về bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Đức Điển nói.

Thanh Ngà