Thái Nguyên tổng kết 10 năm xây dưng nông thôn mới

Trong nước - Ngày đăng : 17:40, 04/10/2019

(TN&MT) - Ngày 4/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức “Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010 – 2020”. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự Hội nghị có đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; đại diện các bộ, ngành Trung ương, đại diện một số tổ chức phi chính phủ, Quỹ toàn cầu hóa nông thôn mới Hàn Quốc...
1
Quang cảnh Hội nghị“Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010 – 2020”.

 

3
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 phát biểu tại hội nghị.

 

2
Hai đồng chí: Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và Nguyễn Khắc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Ba của Chủ tịch nước.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng đã báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng các đại biểu dự hội nghị kết quả 10 năm Đảng bộ, Chính quyền cùng nhân dân tỉnh Thái Nguyên thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010 đến nay. Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh Thái Nguyên có 91 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó có 88 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 61,5%; 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 101 xã (chiếm 70% số xã nông thôn); bình quân các xã nông thôn đạt 16,5 tiêu chí nông thôn mới /xã, tăng 11,65 tiêu chí so với năm 2010; không còn xã có dưới 6 tiêu chí nông thôn mới... Hiện nay, 100% các xã đều có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện. Hệ thống đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm và đường trục chính nội đồng đều được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, đặc biệt là các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã nâng cấp và làm mới được 420 km kênh mương thủy lợi do xã quản lý; xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp 406 trạm điện, hơn 1.300 km đường điện, hoàn thành mục tiêu xóa xóm, bản chưa được đầu tư về điện lưới quốc gia. Bằng nhiều giải pháp huy động nguồn lực, Thái Nguyên đã xóa được hơn 2.200 nhà tạm, dột nát, nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 8,4%; hàng năm, tạo việc làm tăng thêm cho trên 15.000 người...Các huyện, thành, thị trong tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng các vùng sản xuất tập trung, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, gắn với xây dựng và phát triển các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của tỉnh.

5
4 tập thể có thành tích xuất sắc được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh huy động các nguồn vốn đạt trên 21.300 tỷ đồng... Tuy vậy, quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên vẫn còn một số hạn chế như: Nông thôn phát triển chưa đồng đều, hiện còn 5 xã đạt dưới 10 tiêu chí, chất lượng một vài tiêu chí ở một số xã đạt chuẩn nông thôn mới chưa cao. Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 có 130 xã trở lên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và có ít nhất 20 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 6 đơn vị cấp huyện trở lên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với hiện nay; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm bình quân 2% năm trở lên.

7
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan một số gian hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên.  

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những thành tích trong chương trình xây dựng nông thôn mới, trong mười năm qua. Kết quả đó, Thái Nguyên đã đóng góp quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới của cả nước. Trong giai đoạn 2011-2015, Thái Nguyên đã có sự chủ động, sáng tạo tìm ra nhiều phương pháp, cách làm hiệu quả, thiết thực như: hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; hỗ trợ kinh phí cho các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới; chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; giao nhiệm vụ, kêu gọi các đơn vị đỡ đầu, tài trợ trong xây dựng nông thôn mới…; Giai đoạn 2016-2020, bám sát định hướng chỉ đạo của Trung ương và hướng dẫn của các Bộ, ngành, Thái Nguyên đã chú trọng hơn đến những nội dung xây dựng nông thôn mới quan trọng, có tác động trực tiếp đến cải thiên đời sống vật chất và tinh thần của người dân (phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị quy mô lớn theo hướng an toàn; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, triển khai Chương trình OCOP…), đồng thời, Thái Nguyên là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước đã nghiên cứu, ban hành Bộ tiêu chí về “Xóm nông thôn mới kiểu mẫu” (gồm 09 tiêu chí, 32 chỉ tiêu) và “Hộ gia đình nông thôn mới” (4 nhóm tiêu chí và 18 chỉ tiêu) xác định hạt nhân trong xây dựng nông thôn mới là đơn vị cấp xóm, hộ gia đình với hầu hết các tiêu chí đều hướng đến người dân và người dân đều tự thực hiện được. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã được chú trọng, giai đoạn 2011-2019, toàn tỉnh đã xây dựng được 80 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung(nâng tổng số công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh lên 239 công trình); 68 nghĩa trang; 207 điểm thu gom rác thải; 55 công trình vệ sinh tại các trường học; trên 30.000 công trình vệ sinh hộ gia đình. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91,8%, sử dụng nước sạch đạt 67,8%; Đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt... Để tiếp tục góp phần cùng cả nước thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn  2021 - 2030, thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình liên tục,  phát triển bền vững, không chạy theo thành tích, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tập trung xây dựng nông thôn mới thôn bản.
Tỉnh Thái Nguyên cần lưu tâm quán triệt quan điểm "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp cùng với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm là then chốt; người nông dân là chủ thể",
phát huy cao những thành quả đạt được, những bài học kinh nghiệm quý, đồng thời sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Tiếp tục chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, luôn cập nhật và thực hiện theo chuẩn mới, đi vào chiều sâu, thiết thực, phù hợp, phục vụ sự phát triển nông thôn Thái Nguyên; Chú trọng nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, nhất là xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến sản phẩm; đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường; bảo tồn, phục dựng và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa thời đại; phát huy lợi thế phát triển của các khu kinh tế trọng điểm để hỗ trợ phát triển cho vùng nông thôn. Xây dựng nông thôn mới bền vững, Tạo điều kiện và động lực cho người dân nâng cao hơn nữa vị thế của mình, thực sự là chủ thể và hưởng lợi các thành tựu đạt được; Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, cả hệ thống chính trị và cuộc, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối NTM các cấp, bộ máy giúp việc phải chuyên trách, chuyên nghiệp; ưu tiên nguồn lực cho nông thôn mới “phát triển công nghiệp để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn”; Nhanh chóng phát triển các sản phẩm đặc sản, truyền thống, thế mạnh của địa phương theo Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, không những phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới. Đề nghị tỉnh ưu tiên quan tâm bố trí nguồn lực thỏa đáng để hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại các thôn bản vùng xâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng ATK, căn cứ cách mạng.

Cũng tại Hội nghị, tỉnh Thái Nguyên có hai đồng chí: Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và Nguyễn Khắc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Ba của Chủ tịch nước; 4 tập thể có thành tích xuất sắc được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh; 99 tập thể và 57 cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016 – 2020 đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh.

Đức Nam