Điện mặt trời phát triển mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long

Tin tức - Ngày đăng : 16:16, 27/09/2019

(TN&MT) - Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, với tiềm năng nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào thời kỳ phát triển điện mặt trời (ĐMT) mạnh mẽ.
dien
Một nhà máy điện mặt trời tại tỉnh An Giang

Tại nơi có địa hình cao nhất ĐBSCL là tỉnh An Giang, mỗi năm trung bình có tới 2.400 giờ nắng, cường độ bức xạ mỗi ngày khoảng 4,7 -5,1 kWh/m2, phân bố khắp địa bàn, cao nhất là ở khu vực phía Bắc của tỉnh (gồm các huyện/thị An Phú, Tân Châu, Châu Đốc, Phú Tân và một phần huyện Chợ Mới) có bức xạ mặt trời bình quân 5,1 kWh/m2/ngày và thấp nhất là khu vực đồi núi (thuộc huyện Tri Tôn và Tịnh Biên), cường độ bức xạ bình quân 4,7 kWh/m2/ngày.

Ông Mai Chí Cường (Phòng Quản lý Năng lượng, Sở Công thương), cho biết năng lượng mặt trời được lựa chọn là một trong những nguồn năng lượng tái tạo thay thế chủ yếu trong chiến lược phát triển năng lượng của tỉnh. Gần đây, tỉnh An Giang đã hoàn tất đề án phát triển nguồn năng lượng mặt trời của tỉnh đến năm 2020, xét đến 2030, nhằm giúp các địa phương xác định các khu vực tiềm năng và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư điện khai thác hiệu quả, đáp ứng nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện An Giang có tới 10 dự án đầu tư nhà máy ĐMT với tổng công suất khoảng 780MWp tập trung tại các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và Châu Thành. Trong đó, đã có 4 nhà máy đầu tư xây dựng đi vào hoạt động, phát điện thương mại, tổng công suất 214 MWp, quy mô nhất là nhà máy ĐMT Solar PV1 tại huyện Tịnh Biên, có công suất 104 MWp (tổng công suất dự kiến sau khi hoàn thành giai đoạn II lên đến 210MWp). Còn lại 6 dự án đang trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt.

Ở cuối nguồn sông Cửu Long, Trà Vinh là một tỉnh ven biển, lượng bức xạ trung bình năm đo được tại khu vực duyên hải đạt từ 1.700 kWh - 1900 kWh/m2 cường độ với bức xạ ngày trung bình hơn 4.9 kWh/m2. Tại xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, dự án xây dựng nhà máy ĐMT kết hợp nông nghiệp công nghệ cao, công suất 165MWp, quy mô 171 ha (bao gồm 32 trạm Inverter, 1 trạm biến áp 2x90 MVA và hơn 440 nghìn tấm pin mặt trời) đã được khởi công, với tổng vốn đầu tư 3.500 tỉ đồng, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm nay.

Cùng với các dự án xây dựng nhà máy quy mô lớn, các hình thức ứng dụng công nghệ tận dụng năng lượng mặt trời phát điện đang được chính quyền, cơ quan chức năng, khuyến khích phổ biến rộng rãi trong sinh hoạt, sản xuất khắp các địa phương. Mô hình ĐMT áp mái tại tỉnh An Giang các cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư lắp đặt đấu nối với lưới điện, tổng công suất đạt khoảng 600kWp, ở các đô thị trong vùng ĐBSCL cũng đang phổ biến.

Qua tính toán chi tiết, PGS.TS. Lê Anh Tuấn, khẳng định việc đầu tư lắp ĐMT gia đình ở đô thị tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo, giảm ô nhiễm môi trường, gia tăng giá trị năng lượng trong sinh hoạt, lợi nhuận đầu tư cao hơn tiền gửi ngân hàng.

Ở nông thôn, việc đầu tư các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để điều khiển công cụ, phương tiện kiểm soát nguồn nước phục vụ canh tác lúa đang được quan tâm triển khai ở tỉnh Trà Vinh, huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) và ứng dụng năng lượng mặt trời kết hợp vi sinh ở các trang trại nuôi tôm ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau.

Đặc biệt, ngày càng có nhiều sáng kiến, sáng chế tận dụng năng lượng mặt trời vận hành thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất hiệu quả. Điển hình, ông Huỳnh Thiện Liêm (xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) cùng nhóm cộng sự sáng chế thuyển chở khách du lịch sử dụng năng lượng mặt trời; ông Trần Trung Hiếu ở huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) đã chế tạo ra máy phun thuốc trừ sâu sử dụng năng lượng mặt trời.

Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, ĐMT ở ĐBSCL sẽ phổ biến mạnh mẽ hơn trong thời tới nếu có chính sách miễn giảm thuế và khuyến khích đầu tư từ Chính phủ, người dân được ưu đãi giá đầu tư lắp đặt pin mặt trời, được thông tin rõ hơn về chính sách đầu tư, được huấn luyện kỹ năng quản lý - vận hành và dịch vụ bảo trì, tư vấn, thay thế thiết bị ĐMT phát triển.

Hùng Long