Điện Biên: Cần siết chặt bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

Khoáng sản - Ngày đăng : 10:27, 24/09/2019

(TN&MT) - Trước thực trạng nhiều tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản vẫn chậm trong việc nộp tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, một số đơn vị không thực hiện cải tạo phục hồi môi trường sau khi dừng khai thác dẫn đến những hệ lụy gây ô nhiễm môi trường, tỉnh Điện Biên cần siết chặt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.

Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng Phòng Khoáng sản, Sở TN&MT Điện Biên cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 32 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Trong đó, có 27 điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (20 mỏ đá và 7 mỏ cát làm vật liệu xâu dựng thông thường (VLXDTT)); 1 mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng; 1 mỏ chì kẽm; 3 mỏ than.

4
Mỏ vàng Háng Trợ, huyện Điện Biên Đông đến nay vẫn chưa được cải tạo phục hồi môi trường sau khi Công ty Molybden ngừng khai thác

Trong giai đoạn 2010 - 2019, UBND tỉnh đã thẩm định, phê duyệt 22 báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), 34 dự án, phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác đối với các dự án khai thác khoáng sản. Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sau khi được cấp phép cơ bản đã thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường.

Ông Nguyễn Đăng Nam, Phó Giám đốc Sở TN&MT Điện Biên cho biết: Để siết chặt công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng báo cáo ĐTM, phương án cải tạo phục hồi môi trường và được UBND Tỉnh ủy quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường trong báo cáo ĐTM và các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thanh, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng khoáng sản không chấp hành pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường.

3
Điện Biên cần siết chặt công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện trình tự thủ tục phê duyệt dự án khai thác khoáng sản theo đúng yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường: Yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp xin cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn phải thực hiện lập báo cáo ĐTM và phương án cải tạo phục hồi môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định; Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM và phương án cải tạo phục hồi môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản.

Trong quá trình khai thác, các chủ dự án đã thực hiện các biện pháp, kế hoạch cải tạo phục hồi môi trường theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt; kết thúc khai thác, các chủ dự án thực hiện lập đề án đóng cửa mỏ, nội dung cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn đóng cửa mỏ.

1
Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại điểm khai thác, chế biến khoáng sản chì, kẽm tại xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông


Thực tế, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có rất ít doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản sử dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến. Hầu hết, không có hệ thống thu bụi, dẫn tới hàm lượng bụi tại nơi cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Một số đơn vị sau khi dừng khai thác không thực hiện cải tạo phục hồi môi trường.

Một trong những đơn vị khai thác khoáng sản không thực hiện cải tạo phục hồi môi trường là Công Molybden Điện Biên, khai thác vàng tại điểm mỏ Háng Trợ, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông. Sau khi dừng khai thác, công ty này đã không thực hiện đóng cửa mỏ, số tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đã nộp không thể đủ để cải tạo môi trường tại khu vực khai thác. Điều đó khiến chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên vẫn đang “đau đầu” trong tìm giải pháp tháo gỡ, còn người dân trong khu vực này luôn sống trong lo lắng vì tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn đang hiển hiện.

2
Kiểm tra hoạt động khai thác cát tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên

Cùng với đó, việc nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của các đơn vị khai thác khoáng sản còn chậm và chưa đầy đủ so với quy định (lần đầu trong vòng 30 ngày trước khi đi vào khai thác, lần tiếp theo trước ngày 30/1 của năm ký quỹ). Tổng số tiền ký quỹ được phê duyệt giai đoạn 2010 - 2019 của các tổ chức, cá nhân là 14.685 triệu đồng nhưng đến nay, số tiền ký quỹ của các tổ chức, cá nhân đã nộp chỉ là 2.569 triệu đồng.

Cũng theo ông Nguyễn Đăng Nam, để siết chặt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, thời gian tới, Sở TN&MT sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cấp, ngành và các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản. Thực hiện kiểm tra giám sát, đôn đốc việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân theo quyết định đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Bài và ảnh: Hà Thuận