Xem xét đưa kinh tế tuần hoàn vào luật
Môi trường - Ngày đăng : 10:15, 17/09/2019
Ông Jurgen Ooms - chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã đưa ra các tấm gương điển hình về kinh tế tuần hoàn như Ireland là đất nước điển hình trong việc áp dụng cơ chế giá đối với túi nhựa. Chính sách này giúp giảm lượng túi nhựa sử dụng tới 90%. Tính đến nay, trên thế giới đã có hơn 200 doanh nghiệp cam kết với nền kinh tế tuần hoàn về nhựa. Ở Hà Lan các vật liệu đá, vật liệu có phủ đá, vật liệu xây dựng trơ đều được tái chế. Các vật liệu này được nghiền và trộn thành hỗn hợp vật liệu xây dựng dùng để lót nền đường. Tái chế bê tông cũ thành bê tông mới giúp giảm gánh nặng môi trường do không cần phải sản xuất xi măng mới. Nhờ có Thỏa ước toàn quốc về Bê tông (Thỏa ước Xanh về bê tông), thị trường bê tông thứ cấp đã xuất hiện, công nghệ mới cũng được tạo ra. Ngoài ra, giảm chất thải thực phẩm của Hàn Quốc, Khu công nghiệp sinh thái Hàn Quốc cũng là nơi thực hành tốt về nền kinh tế tuần hoàn.
Ở Việt Nam khung chính sách về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã có như quy định như: Chỉ thị 36/CT-TW năm 1998; Nghị quyết 41/NQ-TW năm 2004, Nghị quyết 24/NQ-TW năm 2013, Luật BVMT 2014, Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn 2018… Một số mô hình kinh tế tuần hoàn được thực hiện đem lại hiệu quả nhất định như: mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm) tạo ra Chitosan và SSE; sáng kiến không thải rác ra thiên nhiên do VCCI khởi xướng, sáng kiến tái chế nắp bia Tiger thành sắt làm cầu tại Tiền Giang…. Tuy vậy, việc làm này vẫn vẫn chưa được chú trọng. Do đó, để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam nhiều ý kiến cho rằng, cần thể chế hóa, luật hóa kinh tế tuần hoàn, hướng tới thực hiện kinh tế tuần hoàn trong mọi hoạt động.