Đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng đạt trên mức báo động 1

Môi trường - Ngày đăng : 08:22, 13/09/2019

(TN&MT) - Nhận định về tình hình lũ đầu nguồn sông Cửu Long năm 2019, ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ nay đến cuối năm tình hình khí tượng thủy văn trên lưu vực sông Mê Công và Đồng bằng sông Cửu Long còn diễn biến phức tạp, đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng đạt trên mức báo động 1.

Theo ông Vũ Đức Long, hiện tại, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên. Dự báo, trong những ngày tới mực nước mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên chậm, đến ngày 15/9 mực nước tại trạm Tân Châu và Châu Đốc đạt mức BĐ1 vào ngày 15-16/9, sau đó xuống chậm; đến ngày 20/9, mực nước tại trạm Tân Châu, Châu Đốc ở mức 2,8-3,3m.

Đặc biệt, trong tháng 11 và 12/2019, nhiều khả năng khu vực trung và hạ lưu sông Mê Công sẽ xuất hiện các đợt mưa rào và dông trên diện rộng nên xâm nhập mặn ít khả năng diễn ra sớm. Tuy nhiên nguy cơ về xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020 vẫn ở mức cao.

“Các tỉnh ở đồng bằng Nam Bộ cần sớm có xây dựng các kế hoạch, kịch bản phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn để chủ động ứng phó với tình hình thực tế trong thời gian tới”, ông Vũ Đức Long khuyến nghị.

lũ đầu nguồn sông cửu long
Tình hình khí tượng thủy văn trên lưu vực sông Mê Công và ĐBSCL còn diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa

Trước đó, các chuyên gia khí tượng thủy văn cho biết, mùa lũ năm 2019 tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được dự báo sẽ ít có khả năng xuất hiện lũ sớm và lũ lớn ở đầu nguồn. Trong mùa lũ năm nay, vùng đầu nguồn ít có khả năng xuất hiện lũ sớm và đỉnh lũ ở mức BĐ1 - BĐ2 vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10.

Nhìn chung, đỉnh lũ năm 2019 xấp xỉ TBNN và thấp hơn 2018, tuy vậy, cũng cần theo dõi chặt chẽ các biến động bất thường của thời tiết và tác động của thủy triều. Đỉnh triều cao nhất tại Trần Đề (khoảng 2,20 m) vào khoảng cuối tháng 10 sẽ góp phần làm mực nước lũ tăng nhanh, đặc biệt, vùng ven biển và vùng giữa ĐBSCL khi lũ thượng nguồn đổ về.

Diễn biến lũ năm nay trái ngược với năm 2018, khi mưa lớn xuất hiện ngay từ đầu mùa. Sau 7 năm không có lũ lớn, lũ đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh và đạt đỉnh trên BĐ2 ngay từ đầu tháng 9, duy trì ở mức cao hơn 1 tháng sau mới bắt đầu rút. Mùa lũ 2019, sẽ quay lại tình cảnh “ít lũ” như các năm trước đó.

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định, nguyên nhân là do ảnh hưởng của El Nino yếu tiếp tục tác động đến nước ta, nhiệt độ trung bình ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn từ 0,5 - 1oC so với cùng kỳ nhiều năm. Thêm vào đó, là các thủy điện thượng nguồn giảm xả lũ. Nửa cuối tháng 7, gió mùa Tây Nam có khả năng hoạt động mạnh hơn nên khu vực Nam Bộ  sẽ xuất hiện các đợt mưa vừa, mưa to.

Tình hình thời tiết, thủy văn năm 2019 còn diễn biến phức tạp, cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn trong thời đoạn ngắn; dông, tố, lốc, sét, mưa đá, lũ... ảnh hưởng đến khu vực trong các tháng cuối mùa mưa. Thời kỳ kết thúc mùa mưa có khả năng xấp xỉ hoặc sớm hơn TBNN, khoảng đầu tháng 11.

Tuyết Chinh