Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua Luật Bảo vệ môi trường

Tin tức - Ngày đăng : 08:10, 13/09/2019

(TN&MT) – Nền kinh tế tuần hoàn là xu hướng chính được áp dụng ngày càng tăng trong các chương trình nghị sự, chiến lược và đề án quốc gia, từ phát triển công nghệ và thử nghiệm đến vận hành và nâng cấp. Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua Luật Bảo vệ môi trường là ý kiến được đa số đại biểu tập trung thảo luận tại Hội thảo tham vấn đối tác quốc tế về các định hướng chính sách lớn trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu

Hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia vào ngày 12/9 tại Hà Nội.

Nền kinh tế tuần hoàn – Xu hướng toàn cầu

Nền kinh tế tuần hoàn hướng đến mục tiêu dịch chuyển từ các nguồn tài nguyên sơ cấp và khan hiếm sang các nguồn tài nguyên thứ cấp và tái tạo, giảm tỷ lệ sử dụng tài nguyên. Nhận thức được lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn, Trung Quốc đã thông qua Chương trình chính sách kinh tế tuần hoàn (2017): thiết kế sinh thái và trách nhiệm của các nhà sản xuất được mở rộng, tầm quan trọng của đầu vào. Malaysia, Singapore, Hàn Quốc… là các quốc gia cũng đang xem xét áp dụng kinh tế tuần hoàn (CE). Công nghệ CE đã được kích hoạt ở các quốc gia khác sau Chính sách Thanh gươm Quốc gia của Trung Quốc.

Không chỉ riêng ở Đông Nam Á, tại Châu Âu cũng đã hình thành các chiến lược như Kế hoạch hành động Tuần hoàn 2015 của EU và Chiến lược nhựa 2018. Phần Lan, Pháp, Slovenia, Đức và Ý cũng đã công bố các chiến lược và lộ trình từ trên xuống (top-down) để đạt được điều này. Tại Hà Lan, góc độ doanh nhân (từ dưới lên): đổi mới sáng tạo về nguyên vật liệu và các mô hình kinh doanh CE đang phát triển.

Hợp tác liên lục địa cũng áp dụng nền kinh tế tuần hoàn với hơn 200 doanh nghiệp cam kết với nền kinh tế tuần hoàn về nhựa (2019). Trung Quốc và EU cũng đã ký một Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác Kinh tế Tuần hoàn năm 2018 để hợp tác cho một nền kinh tế tuần hoàn.

Nền kinh tế tuần hoàn – Các thực hành tốt

Tại hội thảo tham vấn đối tác quốc tế về các định hướng chính sách lớn trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, ông Jurgen Ooms – chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã đưa ra các tấm gương điển hình về kinh tế tuần hoàn. Giảm số lượng túi nhựa là một ví dụ được ông Jurgen Ooms dẫn chứng. Nhiều nước hiện cấm sử dụng hoặc áp dụng cơ chế giá đối với túi nhựa. Các can thiệp chính sách này rất hiệu quả, giúp giảm lượng túi nhựa sử dụng tới 90% như trường hợp của Ireland.

Ông Jurgen Ooms – chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP)
Ông Jurgen Ooms – chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) phát biểu tại hội thảo

Tái chế bê tông ở Hà Lan cũng được ông Jurgen Ooms nêu ra tại hội thảo. Ông cho biết: Hầu hết các vật liệu đá, vật liệu có phủ đá, vật liệu xây dựng trơ đều được tái chế ở Hà Lan. Các vật liệu này được nghiền và trộn thành hỗn hợp vật liệu xây dựng dùng để lót nền đường. Tái chế bê tông cũ thành bê tông mới giúp giảm gánh nặng môi trường do không cần phải sản xuất xi măng mới. Nhờ có Thỏa ước toàn quốc về Bê tông (Thỏa ước Xanh về bê tông), thị trường bê tông thứ cấp đã xuất hiện, công nghệ mới cũng được tạo ra.

Theo ông Jurgen Ooms, lập kế hoạch nền kinh tế tuần hoàn ở Malaysia, giảm chất thải thực phẩm của Hàn Quốc, Khu công nghiệp sinh thái Hàn Quốc cũng là các thực hành tốt về nền kinh tế tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ môi trường

Gợi ý về Kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), ông Jurgen Ooms cho rằng việc dán nhãn cho một loại vật liệu là chất thải có thể có các tác động lớn, tuy nhiên cần rà soát lại định nghĩa về chất thải; nhiều nước trên thế giới hiện đang sử dụng định nghĩa về chất thải của công ước Basel.

Định nghĩa hiện nay của Việt Nam về chất thải nguy hại là chất thải có một hoặc nhiều đặc điểm nguy hiểm như độc tính, phản ứng, nhiễm trùng, dễ bắt lửa ăn mòn hoặc các đặc tính độc hại khác. Theo Jurgen Ooms, cần rà soát lại định nghĩa về chất thải nguy hại; hệ thống Phân loại và dán nhãn hài hòa các hóa chất của LHQ là một tham khảo khởi đầu tốt.

Jurgen Ooms cho rằng cần giới thiệu giai đoạn cuối của chất thải bởi không có giai đoạn cuối của chất thải, việc tái chế có thể bị cản trở và định nghĩa sẽ rõ ràng khi giai đoạn cuối của chất thải có thể được xem xét.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Jurgen Ooms đề xuất đưa ra tiêu chuẩn tối thiểu cho các loại chất thải khác nhau. Chẳng hạn, giấy nên được tái chế; chất thải hữu cơ nên được ủ; chất thải hỗn hợp nên được đốt.

Jurgen Ooms cũng đề nghị xem xét đưa nội dung về kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường và lồng ghép với quản lý chất thải. Theo đó, phần nguyên tắc quản lý chất thải gồm: Phân cấp chất thải; người gây ô nhiễm phải trả tiền; phân loại chất thải; xử lý chất thải theo cách có hại cho môi trường phải bị cấm. Về phần kế hoạch quản lý vật liệu, Jurgen Ooms đề cập đến: các tài liệu quan trọng cho Việt Nam; các vật liệu sinh học; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; cấm sử dụng một số vật liệu trong các sản phẩm cụ thể; loại bỏ cơ sở hạ tầng.

Đồng quan điểm với ông Jurgen Ooms, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đánh giá tầm quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn và yêu cầu các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và các cán bộ của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nghiên cứu việc xem xét đưa nền kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, bổ sung.

Thứ trưởng cho rằng nền kinh tế tuần hoàn nếu xét ở góc độ vĩ mô sẽ khác nhau, khác ở mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp, mỗi cụm dân cư và trong gia đình. Do đó, cần thảo luận kỹ để tìm ra nền kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, bổ sung.

“Nền kinh tế tuần hoàn ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực, mỗi khu công nghiệp sẽ khác nhau. Hơn nữa, chẳng hạn một khu công nghiệp rất xanh, sạch, đẹp nhưng chỉ có nước thải được xử lý còn các chất thải được đưa đi nơi khác, như vậy cần tuần hoàn nhưng tuần hoàn như thế nào, giải quyết các vấn đề đó ra sao? Rõ ràng cần phải có biện pháp hài hòa giữa nơi chịu xử lý tiếp nhận và nơi đưa ra” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Mai Đan