Quản lý đất ngập nước và biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:17, 09/09/2019

(TN&MT) – Đó là nội dung khóa tập huấn chuyên sâu do IUCN vừa phối hợp với Trường đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh tổ chức dành cho 20 tham dự viên từ các khu bảo tồn và vườn quốc gia khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Khóa tập huấn là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động của dự án “Tăng cường sức chống chịu của các vùng đất ngập nước khu vực đồng bằng sông Cửu Long” (Mekong Wet) do IUCN điều phối, với sự tài trợ của tổ chức sang kiến khí hậu quốc tế (IKI) và chính phủ Đức. Dự án nhằm thúc đẩy các nước tiểu vùng sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam xây dựng năng lực, thực hiện tốt công ước Ramsar, công ước đa dạng sinh học và xây dựng phát triển mạng lưới hợp tác phối hợp bảo vệ đất ngập nước.

Thông qua khóa tập huấn, các học viên được cung cấp kiến thức cơ bản về hệ sinh thái đất ngập nước và các dịch vụ sinh thái đi kèm, phương pháp quản lý chế độ thủy văn của hệ sinh thái đất ngập nước, phương pháp đánh giá nhanh tính dễ tổn thương do biến đổi khí hậu và do thiên tai, xây dựng kế hoạch quản lý đất ngập nước.

tập huấn
Khóa tập huấn tổ chức dành cho 20 tham dự viên từ các khu bảo tồn và vườn quốc gia khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 

Tham gia khóa tập huấn, các học viên có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi cùng với các chuyên gia từ trường Đại học KHTN TP.HCM, và Đại học Cần Thơ. Đặc biệt, các học viên được tham dự hội thảo “Hệ sinh thái đất ngập nước dưới tác động của biến đổi khí hậu – Cách tiếp cận trong quản lý và bảo tồn”. 10 báo cáo tham luận về kinh nghiệm thực tiễn tại các khu Ramsar Láng Sen, Tràm Chim, Vườn Quốc Gia U Minh Thượng, và khu bảo tồn Loài – Sinh cảnh Phú Mỹ đã giúp các học viên tích lũy thêm kiến thức để áp dụng tại địa phương mình.

Đáng chú ý, chuyến tham quan thực địa tại vườn Quốc gia U Minh Thượng mang đến cơ hội cho các học viên thăm quan các tiểu sinh cảnh đặc trưng của vườn Quốc gia U Minh Thượng, rừng tràm trên đất than bùn, trảng cỏ ngập nước theo mùa, đầm lấy che phủ bởi thực vật…, các học viên chia thành các nhóm và cùng nhau thảo luận, xử lý số liệu, xây dựng các kế hoạch quản lý đất ngập nước cho các khu đất ngập nước tại đồng bằng sông Cửu Long. Các học viên đều hiểu được tầm quan trọng trong việc tăng cường sự phối hợp các bên, bao gồm nhà nước, tư nhân, cộng đồng, nhà khoa học, tổ chức giáo dục, các nhà quản lý tại địa bàn đất ngập nước để tạo nên sức mạnh năng lực tập thể, thúc đẩy bảo tồn và quản lý hệ sinh thái đất ngập nước dưới tác động của biến đổi khí hậu.

tham quan thực địa
Chuyến tham quan thực địa dành cho các học viên tham gia khóa tập huấn

Ngoài ra, với chia sẻ về “Hiện trạng Quản lý đất ngập nước tại Việt Nam” và nghị định 66/2019 NĐCP về Bảo tồn và Sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của đại diện Cục bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên Môi trường), học viên thêm góc nhìn về chính sách cho các học viên để có thể áp dụng vào công tác thực hành quản lý tại địa bàn mình.

Sau khóa tập huấn đầu tiên này, dự án sẽ tổ chức các hoạt động thực địa hỗ trợ các khu đất ngập nước vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhằm tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và thiên tai, vừa bảo tồn được hệ sinh thái đồng thời phát huy được những điểm mạnh để tạo ra các dịch vụ sinh thái thân thiện với môi trường.