Tiền Giang: Sạt lở bờ biển, bờ sông có xu hướng gia tăng

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:23, 06/09/2019

(TN&MT) - Trong thời gian gần đây, tình hình sạt lở bờ biển, sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên cả quy mô và mức độ, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống dân sinh.
H1
Bờ biển Gò Công bị xâm thực, mất gần hết đai rừng phòng hộ

Ông Nguyễn Thiện Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão Tiền Giang cho biết: Tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn ra nhanh chóng, nhiều về số điểm sạt và nghiêm trọng về mức độ. Trước tình hình trên, các ngành, các cấp tỉnh Tiền Giang đã có nhiều phương án xử lý khẩn cấp để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Cụ thể, tính từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xảy ra 87 điểm sạt lở, chiều dài 4.489m. Trong đó, huyện Cái Bè nhiều nhất 42 điểm, chiều dài 2.550m; huyện Cai Lậy 31 điểm, chiều dài 1.224m; thị xã Cai Lậy 08 điểm, chiều dài 435m; huyện Châu Thành 06 điểm, chiều dài 280m.

Riêng đối với bờ biển có chiều dài 32km của Tiền Giang, trong đó có 21km thuộc huyện Gò Công Đông và 11km thuộc huyện Tân Phú Đông. Trước kia, bên ngoài bờ biển của tỉnh đã từng có một đai rừng phòng hộ khá dày từ 100m - 800m. Tuy nhiên, gần đây, rừng phòng hộ ven biển đã bị suy thoái dần và có nơi bị mất trắng.

H2
Sạt lở bờ sông, kênh, rạch diễn ra ngày càng nghiêm trọng

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, trước tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, các cấp, các ngành của tỉnh Tiền Giang đã có nhiều phương án xử lý cấp bách kể cả giải pháp công trình và phi công trình. Trong đó, ưu tiên thực hiện các giải pháp di dời nhà ở, di dời công trình để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Cũng theo ông Pháp, việc bảo vệ an toàn cho tuyến đê biển Gò Công đồng nghĩa với việc bảo vệ, ổn định sản xuất cho khoảng 35.000ha đất nông nghiệp và 600.000 người dân khu vực dự án ngọt hóa Gò Công; tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung quản lý tốt rừng ngập mặn hiện có, đồng thời quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở trên toàn tuyến đê biển để có giải pháp khắc phục kịp thời.

Trước mắt, tỉnh Tiền Giang tiếp tục đầu tư gia cố bảo vệ mái đê biển tại những vị trí sạt lở không còn rừng phòng hộ. Về lâu dài, sẽ đầu tư giải pháp công trình giảm sóng, gây bồi nhằm khôi phục lại rừng phòng hộ bảo vệ vững chắc tuyến đê biển của tỉnh. Riêng giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh Tiền Giang sẽ hoàn thiện công tác trồng rừng, thực hiện các hạng mục còn lại của dự án…