Khả năng hình thành bão do tương tác của hai cơn áp thấp nhiệt đới

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:01, 03/09/2019

(TN&MT) - Theo tính toán của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong khoảng 24 đến 48 giờ tới cơn áp thấp nhiệt đới trên đất liền có khả năng kết hợp cùng cơn áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) thứ hai hiện đang ở giữa biển Đông thành cơn áp thấp nhiệt đới chung mạnh hơn và khả năng hình thành lên một cơn bão mới.

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin về diễn biến ATNĐ

Khả năng hình thành bão

Nhận định về hai cơn áp thấp nhiệt đới đang hiện hữu trên đất liền và biển Đông, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, cơn áp thấp nhiệt đới thứ nhất đã xuất hiện từ lâu và đi từ biển vào, tối hôm qua (2/9) đến sáng sớm hôm nay (3/9) đổ bộ vào khu vực giữa Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Hiện tại, cơn ATNĐ này đang trong quá trình di chuyển ngược trở lại từ trong đất liền ra biển Đông. Còn cơn áp thấp nhiệt đất mới hình thành vào sáng qua ở giữa biển Đông, trong sáng hôm nay đã suy yếu thành một vùng áp thấp và đang dịch chuyển lên phía đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Có thể nói, trường hợp xuất hiện đồng thời 02 áp thấp nhiệt đới và bão, cùng tương tác với nhau như thế này là hiếm gặp. Cấu trúc mây của hai cơn áp thấp nhiệt đới khá rời rạc, cường độ yếu nên khó dự báo hướng di chuyển. Đối với những cơn dạng này các mô hình khí quyển chỉ có thể đưa ra nhận định 24h, còn sau 24h phân tán nhiều.

“Hai cơn ATNĐ này sẽ có tương tác nhất định; trong khoảng 24 đến 48 giờ tới hai cơn ATNĐ này sẽ hòa lại thành cơn áp thấp nhiệt đới chung sau đó dịch chuyển theo hướng Đông Bắc và khả năng 2-3 ngày nữa, cơn ATNĐ hòa chung này sẽ hình thành lên một cơn bão mới”, ông Hưởng Nhận định.

áp thấp nhiệt đới
Chùm ảnh đường đi và vị trí áp thấp nhiệt đới cập nhật tại bản tin lúc 14h30 ngày 3/9 của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, đây không hẳn là hai cơn áp thấp nhiệt đới mà thậm chí là ba, bao gồm: một cơn bão có tên quốc tế là Lingling ở ngoài biển Tây Bắc Thái Bình Dương (ở khu vực phía Đông của Philippines), một cơn áp thấp nhiệt đới ở trong khu vực giữa biển Đông, một cơn áp thấp nhiệt đới ở khu vực vịnh Bắc Bộ và đổ bộ vào khu vực giữa Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế trong đêm qua. Nó đang tạo ra một tam giác các xoáy thuận nhiệt đới. Hai cơn áp thấp nhiệt đới tương tác với nhau, một cơn áp thấp đã đổ bộ vào đất liền Việt Nam và một cơn áp thấp đang suy yếu có hiệu ứng tương tác với nhau. Chúng tôi xác định đây là hiệu ứng Fujiwhara, - tên ông tiến sĩ người Nhật nghiên cứu hiện tượng này.

Về hiệu ứng tương tác của hai cơn áp thấp nhiệt đới này, cơn áp thấp yếu sẽ bị hút vào cơn áp thấp mạnh, một cơn áp thấp đi lên và một cơn áp thấp đi xuống. Trong quá trình nhất định, đến một khoảng thời gian nào đó sẽ hòa vào với nhau tạo thành một cơn áp thấp nhiệt đới mới mạnh hơn. Khi cơn áp thấp nhiệt đới mới có cường độ mạnh hơn hình thành và đi lên phía Đông Bắc lại tương tác với cơn bão Lingling ở ngoài, lúc ấy hiệu ứng Fujiwhara này lại thêm một lần nữa. Có nghĩa là trong thời gian tới sẽ có 2 lần hiệu ứng tương tác áp thấp nhiệt đới đôi hoặc là áp thấp nhiệt đới - bão.

Cảnh báo lũ quét và trượt lở đất

Cơn áp thấp nhiệt đới đã đổ bộ vào nước ta vào đêm qua (2/9), sáng sớm ngày 3/9 đã gây ra một đợt mưa lớn diện rộng ở khu vực nam Nghệ An trở vào đến Thừa Thiên Huế với tổng lượng mưa đo được từ 7h sáng ngày 2/9 đến 13h chiều nay (3/9) phổ biến từ 150mm đến 300mm, nhiều nơi (như Hà Tĩnh) lượng mưa xấp xỉ 500mm.

Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết: “Chúng tôi lo ngại vùng áp thấp nhiệt đới đang tồn tại trên đất liền và di chuyển đi ra ngoài có thời gian lâu, tác động gây mưa kéo dài. Cho nên khả năng duy trì lượng mưa lớn ở Trung Bộ trong thời gian dài nữa. Khi đó, gây ra áp lực lớn cho hệ thống ao hồ, sông suối, hồ thủy điện, hồ thủy lợi ở khu vực này”.

Do vậy, Trung tâm Dự báo KTTV cũng cảnh báo hiện tượng lũ ở khu vực từ Quảng Trị trở vào đến Thừa Thiên Huế lên mức báo động 2, báo động 3. Cùng với mức lũ lên, nguy cơ xảy ra lũ quét, trượt lở đất ở một loạt các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam; các tỉnh bắc Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai cũng đang ở mức rất cao.

Còn ở trên biển, ATNĐ cũng làm tăng cường độ gió mùa Tây Nam nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động mạnh. Điều này sẽ tác động đến những tàu thuyền hoạt động ven biển.

Chính vì vậy, các cơ quan, chính quyền địa phương cần lưu ý thông báo cho các tàu thuyền khẩn trương neo đậu trong cá khu tránh trú để tránh thiệt hại do gió mạnh, sóng lớn ở khu vực ven biển và ngoài khơi các vùng biển có cảnh báo nguy hiểm nêu trên.

Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục mưa trong ngày khai giảng (5/9)

Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết thêm, trong ngày 5/9, áp thấp nhiệt đới trong đất liền đã đi ra ngoài biển, tuy nhiên vẫn gây mưa lớn ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, Nam Bộ. Cụ thể ở Trung Bộ, các tỉnh từ Nghệ An trở vào đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng như vậy. Các tỉnh Nam Trung Bộ (Bình Định trở vào) thời tiết tốt hơn, chỉ có những cơn mưa ngắn gián đoạn, lượng mưa không lớn. Riêng khu vực Bắc Bộ, thời tiết chủ yếu là nắng ráo.