Hợp tác toàn diện về KHCN trong viễn thám

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 09:16, 31/08/2019

(TN&MT) - Để chuẩn bị cho năm ASEAN 2020 do Việt Nam làm Chủ tịch, Bộ TN&MT đã đẩy mạnh hợp tác toàn diện về khoa học công nghệ trong lĩnh vực viễn thám.
Vien Tham
Khoa học công nghệ viễn thám là lĩnh vực trọng điểm

Khoa học công nghệ viễn thám là lĩnh vực trọng điểm

Theo Cục Viễn thám quốc gia, ngay từ năm 2006, “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” (Chiến lược 137) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt  và ban hành trong đó viễn thám là một trong những nội dung chủ yếu. Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay, nước ta đã đạt được các mục tiêu liên quan đến công nghệ viễn thám trong Chiến lược như: Hoàn thiện được hệ thống viễn thám tại Việt Nam gồm vệ tinh viễn thám (Vệ tinh VNREDSat-1 do Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam quản lý), trạm thu viễn thám và hệ thông lưu trữ - truyền dẫn dữ liệu viễn thám (do Cục Viễn thám quốc gia quản lý), hệ thống các đơn vị ứng dụng viễn thám (15 đơn vị ở các Bộ, ngành Trung ương); khai thác có hiệu quả cao các thông tin thu được từ các vệ tinh khí tượng phục vụ công tác dự báo khí tượng - thủy văn; xây dựng và khai thác hệ thống xử lý ảnh vệ tinh phục vụ các Bộ, ngành,…

Trên cơ sở Chiến lược 137, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã xây dựng Chương trình Khoa học Công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn I (2010 - 2015) và giai đoạn II (2016 - 2020); trong đó có một số đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh đã được triển khai thực hiện tại Bộ TN&MT.

Bên cạnh đó, sau khi thành lập Cục Viễn thám quốc gia vào năm 2013, lần đầu tiên lĩnh vực viễn thám có riêng một Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu công nghệ viễn thám trong quản lý, giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế xã hội”.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết: Sản phẩm của các đề tài đã cung cấp được cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng vào việc hoàn thành các nội dung chính hiện nay của lĩnh vực viễn thám. Cụ thể như: Cung cấp các căn cứ khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển hạ tầng cơ sở cho hoạt động viễn thám. Ứng dụng công nghệ viễn thám trong quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Cải tiến quy trình công nghệ thành lập, cập nhật bản đồ, cơ sở dữ liệu chuyên đề và cơ sở dữ liệu địa hình bằng viễn thám theo hướng tự động hóa, kết hợp các phương pháp viễn thám và hệ thống thông tin địa lý. Hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chuyên môn sâu về viễn thám.

Go cong
Ảnh vệ tinh worldview4 chụp khu vực Gò Công tỉnh Tiền Giang

Việt Nam đứng top 5 về KHCN viễn thám

Đối với lĩnh vực viễn thám hiện nay, Việt Nam đã có các thỏa thuận hợp tác quốc tế với rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt, với nhóm các quốc gia có trình độ công nghệ viễn thám phát triển như Mỹ, châu Âu, Pháp, Nhật Bản, Italia, Hàn Quốc, LB Nga, Úc, Ấn Độ, các quốc gia trong ASEAN,... trong đó, có nhiều hợp tác với các tổ chức, tập đoàn lớn về công nghệ viễn thám như: NASA, ESA, AIRBUS, E-Geos, Sentinel ASIA, JAXA…Những hợp tác quốc tế đó đã giúp Việt Nam hình thành và phát triển được cơ sở hạ tầng viễn thám, ứng dụng công nghệ viễn thám trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về viễn thám,….

So với các quốc gia trong ASEAN, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ứng dụng công nghệ viễn thám vào trong cả mục đích dân sự và quân sự thông qua các hợp tác quốc tế với Liên Xô trước đây. Tuy vậy, trong những năm gần đây, nhiều quốc gia trong ASEAN đã có những đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ viễn thám và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Theo đánh giá của các chuyên gia, có thể thấy trong khu vực ASEAN, trình độ về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ viễn thám của Việt nam hiện đang đứng sau Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và tương đương Philippine.

Trong tương lai, sau khi dự án hợp tác chung ASEAN - Ấn Độ được xây dựng tại Việt Nam đi vào hoạt động và được bàn giao cho phía Việt Nam; đồng thời, Chiến lược phát triển phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 149/QĐ-TTg), trình độ nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ viễn thám của Việt Nam sẽ được nâng lên và tương đương với các nước thuộc nhóm đầu của khu vực ASEAN.

Hình thành cơ chế phối hợp và chia sẻ dữ liệu

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, để các hoạt động trao đổi khoa học và tăng cường hợp tác trong ASEAN về công nghệ viễn thám có hiệu quả, Cục Viễn thám quốc gia kiến nghị với Bộ TN&MT thời gian tới, sẽ triển khai các hoạt động nhằm mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ viễn thám.

Ông Nguyễn Quốc Khánh cho rằng, trước hết, cần xây dựng cơ chế, chính sách hợp tác về viễn thám trong ASEAN nhằm “Hình thành cơ chế phối hợp và chia sẻ dữ liệu viễn thám phục vụ công tác giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và biến đổi khí hậu chung trong khối ASEAN”. Kiến nghị này xuất phát từ thực tế là nhiều nước trong khối ASEAN đã có vệ tinh viễn thám, trạm thu viễn thám hoặc đang có chương trình phát triển vệ tinh, trạm thu viễn thám. Những hệ thống này có khả năng chụp và thu nhận dữ liệu viễn thám trên diện rộng bao gồm từng quốc gia và toàn khu vực. Tuy vậy, hiện nay, các nước chủ yếu tập trung chụp ảnh phục vụ các nhu cầu riêng của nước mình dẫn đến chỉ khai thác được một phần nhỏ năng lực của các vệ tinh. Giải pháp cho vấn đề nói trên là thực hiện phối, kết hợp chặt chẽ trong khai thác sử dụng các vệ tinh, trạm thu viễn thám của các nước trong khu vực ASEAN. Tuy vậy, hiện, chưa có chính sách chung về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thám và dữ liệu viễn thám trong ASEAN và chính sách về chia sẻ và cung cấp dữ liệu viễn thám song phương giữa Việt Nam với từng quốc gia trong ASEAN.

Do vậy, các nước ASEAN cần thảo luận để thống nhất ý tưởng hình thành cơ chế phối hợp vận hành, tạo hành lang pháp lý để xây dựng cơ chế chia sẻ và trao đổi nguồn dữ liệu viễn thám hiện có và thu nhận trong tương lai nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực giám sát tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu trong khu vực ASEAN. Ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương về viễn thám với các nước ASEAN nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy các nghiên cứu khoa học để cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn hình thành các tiêu chuẩn quốc gia về dữ liệu viễn thám dùng chung trong ASEAN nhằm tận dụng tối đa nguồn dữ liệu cũng như cơ sở hạ tầng viễn thám hiện có trong ASEAN.