PGS. TS Phạm Quý Nhân: Mỗi sinh viên là một “sứ giả” tuyên truyền về môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 11:25, 27/08/2019

(TN&MT) - Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, cũng như suy thoái đa dạng sinh học ngày càng  nghiêm trọng và cấp bách hơn theo thời gian, giáo dục môi trường là việc quan trọng. Xoay quanh nội dung này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Phạm Quý Nhân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
A1 PGS Nhan
PGS. TS Phạm Quý Nhân

PV: Thưa ông, thời gian qua, Trường đã thực hiện những biện pháp gì để sinh viên trong trường nhận biết được tầm quan trọng của giáo dục môi trường và giúp đẩy mạnh công tác này?

PGS. TS Phạm Quý Nhân: Các chương trình đào tạo về bậc đại học và cao học khoa học và ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường và Quản lý tài nguyên môi trường trong nhà trường là chương trình thường xuyên và hàng năm mang tính chuyên nghiệp cho các sinh viên, học viên muốn trở thành kỹ sư, cử nhân, thạc sỹ về môi trường. Đây cũng là vấn đề cốt lõi trong chương trình giáo dục liên quan đến môi trường. Tuy vậy, Nhà trường nhận thấy, giáo dục môi trường rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Ngoài việc đào tạo mang tính nghề nghiệp, Nhà trường cũng tập trung giáo dục môi trường nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là giới trẻ về bảo vệ môi trường.

Hàng năm, Trường thường xuyên tổ chức các hoạt động về giáo dục môi trường, đặc biệt, Ngày Môi trường thế giới (5/6) với những hoạt động cụ thể, tham gia đồng hành các hoạt động của Bộ TN&MT. Gần đây nhất, Trường hưởng ứng và tham gia chương trình hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa và chống rác thải nhựa đại dương. Khoa Môi trường của có một số đề án, dự án liên quan đến nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường... Đối tượng chính của các đề án, dự án là các địa phương, trường phổ thông nhằm tuyên truyền phổ biến cho thế hệ trẻ, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và vùng hạn chế nhận thức về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Trường thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, giao lưu với các trường trong nước và quốc tế để sinh viên tham gia và nêu ra các ý tưởng, giải pháp liên quan đến vấn đề môi trường và giáo dục môi trường...

A2 sinh vien tuyen truyen v MT
Các cuộc hội thảo, tọa đàm, giao lưu là dịp để sinh viên nêu ra các ý tưởng, giải pháp liên quan đến vấn đề môi trường và giáo dục môi trường

PV: Theo ông, sinh viên có vai trò như thế nào trong việc giúp cộng đồng hiểu rõ được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường?

PGS. TS Phạm Quý Nhân: Giáo dục môi trường thông qua sinh viên để đến cộng đồng là một hình thức nhanh nhất và hiệu quả nhất. Sinh viên và đặc biệt là sinh viên học về lĩnh vực môi trường và liên quan đến môi trường có kiến thức nền tảng và là cầu nối giữa người dân và cộng đồng khoa học. Những sinh viên sẽ giải thích một cách dễ dàng để người dân nhận thức được môi trường là vấn đề rất cần thiết với cuộc sống, với sự sống của con người.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của sinh viên trong vấn đề này?

PGS. TS Phạm Quý Nhân: Trong quá trình đào tạo nghề nghiệp, chúng tôi có đào tạo ý thức về giáo dục môi trường đối với từng sinh viên, vì mỗi sinh viên như một “sứ giả” có thể tuyên truyền đến người dân. Việc sinh viên thu thập thông tin từ cộng đồng là một việc rất quan trọng, bởi qua đó, các nhà khoa học có thể xử lý dữ liệu và đưa ra các quyết định phù hợp. Đó chính là “khoa học cộng đồng”, một giải pháp tạo nguồn thông tin nhanh vì học sinh hoặc giáo viên ở các địa phương hoặc các nơi có nguồn ô nhiễm thường phản ánh thông tin một cách chính xác và nhanh nhất đến các nhà khoa học.

Đây cũng là nguồn thông tin không tốn nhiều đầu tư, kinh phí. Hiện nay, người dân Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh rất nhiền nên việc sử dụng chúng trong khoa học cộng đồng giúp truyền thông tin kịp thời đến các nhà chuyên môn, các nhà khoa học để xử lý, ra quyết định.

Khoa học cộng đồng không chỉ áp dụng cho lĩnh vực môi trường mà còn có thể cho nhiều lĩnh vực khác. Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là một trong những đơn vị giảng dạy và nghiên cứu đi sâu vào khoa học cộng đồng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!