TP.HCM: Tăng diện tích công viên cây xanh

Môi trường - Ngày đăng : 10:13, 27/08/2019

(TN&MT) - Để khắc phục tình trạng thiếu diện tích dành cho cây xanh như hiện nay, TP.HCM sẽ xây dựng kế hoạch phát triển công viên cây xanh trong 10 năm, 25 năm tới, đồng thời, tổ chức giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện kế hoạch này.
Cong vien TPHCM
Nhiều công viên cây xanh tại TP.HCM đang bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh

Diện tích cây xanh còn thiếu

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, tính đến cuối năm 2018, TP.HCM hiện có 491,16ha đất công viên (369 công viên bao gồm các công viên công cộng và các công viên trong khu ở), diện tích đất công viên đạt bình quân 0,49m2/người. Trong đó, diện tích công viên khu vực nội thành cũ (13 quận) là 273,13ha, chiếm tỷ lệ 55,6% toàn thành phố, đạt bình quân 0,67m2/người. Diện tích công viên khu vực quận mới (6 quận) là 172,01ha, chiếm tỷ lệ 35% toàn thành phố, đạt bình quân 0,71m2/người. Khu vực ngoại thành (5 huyện) có diện tích công viên là 46,02 ha, chiếm tỷ lệ 9,4% toàn thành phố đạt bình quân 0,3m2/người. Về đầu tư, xây dựng công viên, theo thống kê, từ năm 2012 - 2018, tổng diện tích công viên, mảng xanh của thành phố tăng thêm ước đạt 158ha.

Hiện nay, đa số các công viên đều được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác thời gian đã rất lâu nên về cơ bản hạ tầng hiện nay đã xuống cấp. Công tác sửa chữa, nâng cấp nhìn chung vẫn mang tính tạm thời, chắp vá và thực hiện trên mặt bằng hiện trạng - thiếu định hướng chung. Hơn nữa, các khu vực, không gian, tiện ích như sân sinh hoạt cộng đồng, hệ thống chiếu sáng, nhà vệ sinh, trò chơi trẻ em, khu vận động cho thanh thiếu niên vẫn còn ít, chưa đáp ứng đủ theo nhu cầu hiện nay. Đồng thời, phần lớn các công viên chưa được đo vẽ, số hóa, xác định ranh mốc làm cơ sở cho việc quản lý, hạn chế tình trạng người dân lấn chiếm trong công viên.

Đồng thời, hầu hết, công viên chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tổng mặt bằng hoặc có quy hoạch nhưng không còn phù hợp với thực tế. Việc thiếu quy hoạch chi tiết xây dựng tổng mặt bằng trong các công viên làm cho việc sử dụng, kinh doanh, khai thác mặt bằng công viên không thể kiểm soát, thiếu định hướng cho việc nâng cấp, cải tạo phù hợp với nhu cầu hiện tại của người dân, cũng như cơ quan quản lý Nhà nước không có cơ sở để kiểm tra chấn chỉnh.

Mặt khác, hiện nay, công viên trên địa bàn TP.HCM phân bố không đều và bất hợp lý. Các quận nội thành, trung tâm lại là nơi có số lượng, diện tích công viên lớn hơn các vùng còn lại. Trên địa bàn các quận mới, các huyện ngoại thành thì diện tích đất công viên công cộng còn rất hạn chế, mặc dù, có quỹ đất quy hoạch công viên cây xanh rất lớn. Điền hình như các quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh chưa có 1 công viên công cộng nào. Với tốc độ đầu tư như hiện nay (1,54 ha/năm), phải mất rất nhiều thời gian để phủ xanh khoảng gần 10.000ha đất công viên còn lại trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại hội thảo tìm giải pháp phát triển cây xanh mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Năm 1975, thành phố có 3,6 triệu dân, đến nay, thành phố có 10 triệu dân nhưng diện tích công viên cây xanh tăng không đáng kể. TP.HCM đang đứng trước đòi hỏi phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, môi trường sống tốt hơn.

Cần có lộ trình phát triển cây xanh

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Công viên cây xanh không chỉ là nơi luyện tập thể thao, nơi vui chơi giải trí, nơi sinh hoạt cộng đồng mà như ở Singapore là kết nối các công viên cây xanh bằng hành lang xanh, tạo thành chuỗi liên kết. Ở TP.HCM trong suốt mấy chục năm qua không giám sát chỉ tiêu cây xanh, là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ công viên cây xanh thấp. Vì vậy, TP.HCM cần xây dựng kế hoạch phát triển công viên cây xanh trong 10 năm, 25 năm tới, đồng thời, tổ chức giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện kế hoạch này.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Hiện nay, việc quản lý công viên, cây xanh vẫn theo kiểu cũ, tư duy cũ, có gì làm nấy, không phải công viên đa chức năng; chưa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia phát triển công viên. Chẳng hạn, một khu đô thị phát triển mà trong khu đô thị có đầy đủ chức năng có cả công viên cây xanh nhưng để phát triển công viên cây xanh đó, Nhà nước phải thu hồi, bỏ tiền ra để đầu tư nhưng không thể triển khai do không có tiền. Trong khi doanh nghiệp xin làm, họ bỏ tiền ra làm và phục vụ cho chính cư dân của họ, tạo ra giá trị gia tăng cho dự án, lại không cho, đó là một tư duy quá cũ kỹ. Cho nên, cần cho doanh nghiệp làm, phục vụ cho cư dân của họ, giúp thành phố phát triển.

Vì vậy, cần đa dạng các loại hình công viên và có nhiều phương thức quản lý phù hợp với từng loại hình đó. Về cơ chế chính sách, bồi thường, giải tỏa quỹ đất để làm công viên là cực khó, vì mức bồi thường không cao, người dân chưa thông cảm ủng hộ. Nguồn vốn ngân sách có giới hạn, nguồn vốn tư nhân chưa khai thác hiệu quả. Thời gian tới, thành phố cần tập trung xây dựng cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực phát triển công viên cây xanh. Theo đó, Nhà nước sẽ làm quy hoạch cho các chỉ tiêu quy hoạch của từng dự án; xây dựng chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng công viên; xây dựng cơ chế quản lý để phát triển công viên có hiệu quả nhất. Còn doanh nghiệp khuyến khích tham gia đầu tư, cải tạo công viên hiện có, xây công viên ở khu dự án. Cùng với đó, khuyến khích mỗi người dân tham gia phong trào trồng cây xanh, phát triển cây xanh tại gia đình mình.

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, TP.HCM có kinh tế khá phát triển, nhưng vấn đề quy hoạch cây xanh còn lạc hậu. Theo quy hoạch cần đạt diện tích bình quân đầu người khoảng 6 - 7m2/người, nhưng hiện chỉ mới đạt 0,5m2/người; tổng diện tích cây xanh so với nhu cầu chỉ đạt 8%; các khu đô thị mới được quy hoạch đều có dành một phần diện tích cho cây xanh tương ứng với chỉ tiêu 7m2/người trong các khu đô thị mới nhưng thực tế chỉ đạt 0,5m2/người. TP.HCM có 102.000 cây xanh có số, có địa chỉ. Dù còn có nhiều khó khăn nhưng để TP.HCM trở thành một đô thị phát triển có đời sống tốt, không thể tiếp tục chấp nhận trạng thái công viên cây xanh như thời gian vừa qua và đã đến lúc phải thay đổi.