Nâng cao năng lực quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ biển

Biển đảo - Ngày đăng : 13:56, 22/08/2019

(TN&MT) - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo "Bảo vệ môi trường biển và hải đảo: Thực trạng và giải pháp; đánh giá, chỉ định các trung tâm đào tạo ICM" do bà Nguyễn Thanh Thảo, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Dự án SDS-SEA và ông Dương Văn Thái - Phó Giám đốc BQL Dự án SDS-SEA, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo cùng chủ trì.
3 bai bien phu quoc dep me man long nguoi ban nhat dinh phai ghe 1
Biển Việt Nam. Ảnh minh họa


Tham dự Hội thảo có đại diện Viện Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Thủy lợi; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường, Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo, đại diện Chi cục Biển và Hải đảo các tỉnh, thành phố ven biển: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên và Kiên Giang.

Hội thảo được nghe trình bày các chuyên đề: Thực trạng và định hướng quản lý vùng bờ tại Việt Nam; tăng cường năng lực quản lý tổng hợp tài nguyên biển và vùng bờ; hoạt động đào tạo ICM của Trường Đại học Thủy lợi và Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường - Tiềm năng phát triển thành Trung tâm đào tạo ICM Khu vực. Chuyên đề quản lý tri thức: bài học kinh nghiệm về quản lý tài nguyên và vùng bờ.

Theo đó, Báo cáo thực trạng và định hướng quản lý tổng hợp vùng bờ (QLTHVB) tại Việt Nam của 28 tỉnh, thành: có 9 tỉnh tổ chức xây dựng báo cáo hiện trạng vùng bờ, có 5 tỉnh đang chuẩn bị hoặc đang triển khai tổ chức xây dựng; có 11 tỉnh đã thành lập cơ chế điều phối đa ngành; hàng năm hầu hết các tỉnh đều tổ chức thực hiện công tác truyền thông giáo dục, hội nghị, hội thảo tập huấn tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; có 9 tỉnh đã tổ chức xây dựng và 6 tỉnh đang triển khai xây dựng hệ thống quản lý thông tin tổng hợp; có 13 tỉnh, thành đã tổ chức triển khai phân vùng chức năng vùng bờ; có 2 địa phương (Hải Phòng và Quảng Ngãi) đã phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển (HLBVBB) và phê duyệt ranh giới HLBVBB; 1 địa phương đã phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập HLBVBB; có 8 địa phương đã và đang gửi báo cáo lấy ý kiến Bộ TN&MT. Hiện nay, có 18/28 tỉnh, thành phố đã ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch, đề án hoặc dự án có liên quan đến QLTHVB; về cơ chế tài chính để triển khai QLTHVB của các tỉnh chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, một số ít tỉnh huy động được nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước.

Trong phần thảo luận, đại diện Chi cục Biển và Hải đảo thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng; tỉnh Kiên Giang, tỉnh Phú Yên đã báo cáo về tình hình thực hiện QLTHVB trong quản lý và bảo vệ tài nguyên biển và hải đảo của địa phương; những khó khăn bất cập trong QLTHVB ở Việt Nam và đề xuất các trung tâm học tập ICM, Trung tâm đào tạo hỗ trợ ICM; một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ; sớm phân định ranh giới quản lý hành chính trên biển theo Dự án "Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính"; kiến nghị Bộ TN&MT trình Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương 8, khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; sớm ban hành văn bản cho phép các địa phương có biển thực hiện việc lập và triển khai “Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ” trong khi chưa có “Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ” (dự kiến sẽ trình Chính phủ vào năm 2021).

Ông Dương Văn Thái, Phó Giám đốc BQL Dự án SDS-SEA, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo ghi nhận và tiếp thu các ý kiến thảo luận, góp ý, đề xuất kiến nghị của các đại biểu; sẽ báo cáo Bộ TN&MT, trình Chính phủ; đồng thời, đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai các nội dung về QLTHVB trong quản lý và bảo vệ tài nguyên biển và hải đảo của địa phương và tiến hành triển khai, thực hiện Dự án "Tăng cường thực hiện chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á tại Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019" hoàn thành theo kế hoạch.