Tư duy đột phá - Kinh doanh dựa vào “thiên tai”

Môi trường - Ngày đăng : 14:02, 19/08/2019

(TN&MT) – Khai thác du lịch từ mưa, gió, bão, lụt… sản phẩm mang tư duy đột phá của các nhà khoa học thuộc Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững (STDe) góp phần giải quyết những thách thức lớn của du lịch Việt Nam và thế giới như vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và khủng hoảng năng lượng...

Để hiểu rõ thêm về lối tư duy đột phá này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn trực tiếp với TS. KTS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững.

kinh doanh bão lũ
Biến mưa, bão, lụt miền Trung thành sản phẩm du lịch

PV:Xuất phát từ đâu mà bà đi đến ý tưởng đột phá là “kinh doanh mưa, bão, lụt...”?

TS. Nguyễn Thu Hạnh: Năm 2009, trong một lần đi công tác tại Hội An đúng vào mùa lụt, nước dâng cao làm ngập những mái nhà cổ rêu phong; đứng trên tầng 2 của một ngôi nhà cổ, toàn bộ bức tranh tổng thể của di sản Hội An bất chợt hiện ra trước mắt tôi với một vẻ đẹp vô cùng khác lạ, vừa mong manh, xưa cũ, vừa an nhiên tự tại trên nền nâu sẫm của dòng nước lũ.

Trò chuyện với người dân, được biết những ngày mưa lụt có rất nhiều du khách nước ngoài tò mò muốn đi thuyền khám phá vẻ đẹp của Hội An. Ngay lúc đó, một câu hỏi lóe lên trong đầu tôi: “Tại sao không biến mưa, lũ Hội An thành một tour du lịch trải nghiệm độc đáo?”.

TS Hạnh
TS. KTS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững

PV:Xin bà cho biết tư duy “kinh doanh mưa, bão, lụt...” ấy đã được cụ thể hóa trong thực tiễn như thế nào?

TS. Nguyễn Thu Hạnh: Bị cuốn hút bởi cách tiếp cận phiêu lưu và mới mẻ đó, tôi cùng STDe đã quyết định nghiên cứu dự án “Biến mưa, bão, lụt miền Trung thành sản phẩm du lịch". Kịch bản cho tour du lịch mưa, bão, lụt đã được ra đời nhanh chóng với nhiều hoạt động du lịch phù hợp với khung cảnh mưa, lụt... Du khách sẽ được ngắm cảnh quan tổng thể của các mái nhà cổ Hội An khi nước lụt dâng cao; đi thuyền thăm quan các ngõ ngách quanh co của Hội An; dừng chân ở các quán cafe trên tầng 2 của các ngôi nhà cổ để thưởng thức các loại hình nghệ thuật từ mưa như: nghe nhạc mưa, múa rối nước, vẽ tranh, chụp ảnh chủ đề mưa. Rồi ngâm thơ, uống trà, chơi cờ, giao lưu văn hóa…

Các tour du lịch này không chỉ giúp cho du khách hiểu thêm về văn hóa ứng xử với thiên nhiên của người miền Trung mà còn là những cơ hội để họ thực hiện hoạt động du lịch có trách nhiệm: Chia sẻ và động viên giúp đỡ người dân địa phương trong những ngày gặp mưa, lũ. Đó chính là cách thức để du lịch có thể “sống chung” và tìm kiếm cơ hội từ chính những yếu tố thiên nhiên bất lợi.

Dự án đã thay đổi hoàn toàn tư duy ứng xử với biến đổi khí hậu, thay cho “trốn chạy” và “chống lại” các yếu tố thời tiết bất lợi; dự án đề xuất các giải pháp để du lịch có thể “sống chung” và tìm kiếm cơ hội từ chính những yếu tố bất lợi.

Hiện dự án đã được các doanh nghiệp tại T.P Huế và T.P Hội An triển khai ứng dụng và tiếp tục hoàn thiện.Dự án cũng đã thu được những tín hiệu khả quan, phản hồi tích cực của du khách, nhất là khách nước ngoài.

PV:Kinh doanh mưa, bão, lụt... không chỉ là tư duy đột phá mà còn được coi là “trái chiều”. Vậy thì trong quá trình thực hiện, bà đã gặp phải những khó khăn gì khi chuyển giao ý tưởng vào thực tế?

TS. Nguyễn Thu Hạnh: Với tư duy " Biến họa thành phúc"- biến thách thức thành cơ hội, Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững đã liên tục cho ra đời nhiều sản phẩm du lịch đột phá về tư duy. Các dự án điển hình có thể kể đến là “Mô hình khách sạn “Bóng đêm”. Đây là mô hình khách sạn tiết kiệm năng lượng điện ở mức tối đa nhưng lại khai thác được nhiều giá trị và vẻ đẹp của bóng tối để giúp khách du lịch có những trải nghiệm hoàn toàn mới và tạo được doanh thu cho du lịch.

Với mô hình khách sạn này, du khách có được những trải nghiệm thú vị, mới mẻ thông qua các hoạt động như: bữa tiệc âm phủ, bữa ăn quê trong ánh đèn dầu, khám phá thiên văn cùng các đồ vật phát quang...  Hay “ Sản phẩm Du lịch từ gió Bạc Liêu” với những đề xuất bất ngờ trong việc khai thác những giá trị vô hình của biển. STDe đã giúp nhà máy điện gió phát triển một chuỗi những sản phẩm du lịch từ tài nguyên gió như: gió múa, gió hát, đàn gió…

kinh doanh bão lũ 1
Du khách có được những trải nghiệm thú vị, mới mẻ từ sản phẩm du lịch đột phá

Có thể nói, hầu hết các sản phẩm của  STDe sáng tạo ra đều đi ngược lại với tư duy thông thường của số đông xã hội. Thời gian đầu, STDe đã gặp phải những rào cản rất lớn từ dư luận xã hội. Nhiều người cho rằng các dự án này quá lãng mạn, viển vông, thậm chí là điên rồ… và hoàn toàn không tin vào tính khả thi của các dự án.

Do vậy, từ ý tưởng sáng tạo đến triển khai thành sản phẩm thực tế, các nhà khoa học của STDe đã đến nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch để thuyết trình với mong muốn sớm đưa các mô hình mới áp dụng vào thực tế.  

PV:Vậy thì, tựu chung lại “tư duy đột phá” như vậy đã tận dụng được nguồn tài nguyên tại các vùng biển ở Việt Nam, góp phần bảo vệ môi trường ra sao, thưa bà?

TS. Nguyễn Thu Hạnh: Quan sát quá trình khai thác tài nguyên biển trong giai đoạn trước đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy đó là cách thức khai tài nguyên thô, nghĩa là khai thác những giá trị bề nổi, sẵn có và với phương thức khai thác theo kiểu “mỳ ăn liền”. Tư duy ăn sẵn với “nền kinh tế cơ bắp” dựa nhiều vào nhân công giá rẻ và “nền kinh tế đào mỏ” dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, với tầm nhìn ngắn hạn đã khiến cho các nguồn tài nguyên du lịch biển của Việt Nam nhanh chóng cạn kiệt.

Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại quỹ tài nguyên biển với những giá trị tự nhiên, văn hoá, lịch sử tinh thần,…còn tiềm ẩn mà chúng ta đang bỏ ngỏ. Các tài nguyên biển có rất nhiều giá trị, nhưng hiện chúng ta mới chỉ khai thác được vài ba giá trị bề nổi mà thôi. Ngoài bãi tắm và hải sản, chúng ta còn có nắng biển, gió biển, muối biển, cảnh quan biển và văn hoá biển đặc trưng, lâu đời…Để tiết kiệm tài nguyên biển, chúng ta phải tìm cách khai thác hiệu quả các giá trị tiềm ẩn này với hàm lượng chất xám cao bằng cách tiếp cận của “tư duy đột phá”.

Đó chính là là cơ hội để bùng nổ, gia tăng chuỗi giá trị cho tài nguyên, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch đa dạng độc đáo với chi phí vật liệu rất thấp. Làm tăng doanh thu du lịch và lợi nhuận lên gấp nhiều lần. Mặt khác, theo lối tư duy này sẽ thu hút được nguồn lực của toàn xã hội vì chi phí đầu tư thấp, công nghệ không khó, tận dụng được triệt để nguyên liệu sẵn có của địa phương, góp phần giảm thiểu rất nhiều tác hại đến môi trường.

Tóm lại, tư duy đột phá là lối đi hoàn toàn mới nhưng là con đường sáng để giải quyết những thách thức lớn của du lịch Việt Nam hiện nay như : ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và khủng hoảng năng lượng...

PV:Xin trân trọng cảm ơn bà!