Chế độ làm việc, nghỉ ngơi của người lao động trong lĩnh vực phòng chống thiên tai

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 15:18, 13/09/2018

(TN&MT) - Quý báo cho tôi hỏi, những người làm việc trong môi trường có tính chất đặc biệt và không ổn định thời gian làm thêm, làm bù giờ như ngành khí tượng thủy văn, một số ngành khác hay phải trực đêm thì pháp luật có những ưu tiên gì về chế độ làm việc, thời gian nghỉ ngơi, nghỉ lễ tết hay không? Nếu có, cụ thể chính sách đó là gì?

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Hiện, Bộ luật Lao động và Thông tư số 31/2017/TT-BNN PTNT đều có những quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai. Cụ thể:

Thời gian làm việc

Điều 4 Thông tư số 31/2017/TT-BNN PTNT quy định về thời giờ làm việc của với người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai như sau: Thời giờ làm việc của người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai không quá 08 giờ trong một ngày và 40 giờ trong một tuần.Thời giờ làm việc ngoài thời gian quy định trên được tính là thời gian làm thêm giờ.

Số giờ làm thêm của người lao động không quá 4 giờ trong một ngày và tổng số giờ làm thêm không vượt quá 300 giờ trong một năm.

dientap
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Nghỉ bù trực

Điều 6 Thông tư 31/2017/TT-BNN PTNT quy định: Người lao động thực hiện chế độ thường trực 24/24 giờ được nghỉ và được hưởng nguyên lương như sau: Thường trực vào ngày thường: được nghỉ bù một ngày vào ngày làm việc sau phiên thường trực. Thường trực vào ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, tết được nghỉ bù hai ngày vào ngày làm việc sau phiên thường trực.

Trường hợp do yêu cầu công việc trong lĩnh vực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mà không thể bố trí nghỉ bù, thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải trả tiền lương làm thêm giờ tương ứng với số giờ vượt quá thời gian làm việc trong chế độ thường trực: Vào ngày thường: số giờ làm thêm tương ứng là 12 giờ. Vào ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ, tết: số giờ làm thêm tương ứng là 24 giờ.

Số thời gian không nghỉ bù và được trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động trong trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư này không tính vào quỹ thời gian làm thêm giờ trong năm.

Thời gian nghỉ ngơi

Điều 7 Thông tư số 31/2017/TT-BNN PTNT quy định về thời giờ nghỉ ngơi việc của với người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai như sau:  Khi thực hiện chế độ thường trực 24/24 giờ tại Văn phòng người tham gia thường trực được nghỉ giải lao tối thiểu 45 phút vào ban ngày và 60 phút vào ban đêm tính vào thời giờ thường trực. Trong thời gian nghỉ giải lao, người lao động không được rời khỏi nơi thường trực.

Cơ quan, tổ chức phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sử dụng hoặc huy động người lao động thực hiện chế độ thường trực 24/24 giờ phải bố trí nơi ăn, nghỉ theo chế độ và quy định hiện hành cho người lao động.

Chi phí cho chế độ thường trực và bảo đảm ăn, nghỉ tại chỗ cho người lao động được tính vào ngân sách chi hoạt động thường xuyên hoặc các nguồn ngân sách hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của Cơ quan, tổ chức phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ, tết

Điều 8 Thông tư số 31/2017/TT-BNN PTNT quy định:  Người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai được nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ, tết và những ngày nghỉ được hưởng lương khác theo quy định của Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động.

Trường hợp do yêu cầu đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai không thể bố trí nghỉ hằng tuần, thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân một tháng ít nhất bốn ngày.