Chia tài sản chung là đất đai của 2 vợ chồng

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 15:39, 29/08/2018

(TN&MT) - Ông bà tôi có 6 người con. Trước năm 1996, ông và bà được cấp quyền sử dụng thửa đất ruộng diện tích khoảng 30.000m2, đến năm 1996 thì bà tôi mất, lúc này chỉ có người con út là chưa lập gia đình. Sau đó ông tái hôn với người phụ nữ khác và cưới vợ cho người con út, ông chia cho con út khoảng 20.000m2 (các người con còn lại đã được chia lúc lập gia đình và không khiếu nại gì liên quan đến quyền lợi nữa). Ông còn lại khoảng 10.000m2 để sản xuất và sống riêng với người vợ kế nhưng vẫn còn hộ khẩu chung với người con út.    Tuy nhiên, hiện nay ông tuổi cao, sức yếu, không có tiền để dưỡng bệnh và muốn bán hết phần diện tích đất còn lại để có tiền trị bệnh nhưng người con út không đồng ý (vì nghĩ rằng sau khi ông mất thì quyền sử dụng thửa đất này là của con út theo thường lệ). Hỏi trong trường hợp này ông tôi có toàn quyền định đoạt đối với thửa đất còn lại hay không hay chỉ bán được khi có ý kiến đồng ý của các con?
22bdong lua vn
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Ông bà bạn được cấp quyền sử dụng đất với diện tích 30.000m2, và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hai ông bà, vậy, đây là tài sản chung của hai ông bà. Theo quy định, mỗi người sẽ có quyền định đoạt ½ khối tài sản trên là 15.000m2 đất.

Bà của bạn mất mà không để lại di chúc, như vậy, khối tài sản của bà sẽ được chia thừa kế theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy, theo đúng quy định thì tất cả 6 người con, ông bạn, cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi của bà bạn đều được hưởng phần thừa kế của bà bạn. Nhưng, nếu những người còn lại không có ý kiến gì về việc chia thừa kế trên mà đồng ý cho chú út được hưởng 20.000m2 thì pháp luật sẽ không can thiệp.

Còn về phần đất 10.000m2 của ông bạn đang sở hữu hiện này, đây là tài sản của riêng ông bạn. Thực ra, nếu theo đúng quy định, khối tài sản của ông bạn là 15.000m2 (vì trước đây đã thống nhất cho chú út 20.000m2 nên ông bạn chỉ còn 10.000m2 đất). Chính vì vậy ông bạn hoàn toàn có quyền tự định đoạt về khối tài sản trên mà không cần có sự đồng ý của chú bạn.