Làm giả giấy tờ nhà đất có thể bị phạt tù

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 16:19, 15/08/2018

(TN&MT) – Ông nội tôi có 2 người con trai là bố tôi và chú tôi. Chú tôi năm nay gần 40 tuổi mà chưa lập gia đình. Chính vì thương chú nên ông nội tôi đã làm di chúc để lại ngôi nhà cùng mảnh đất 40m2 trên phố Huế, Hà Nội cho chú ấy. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông tôi thấy chú có dấu hiệu ăn chơi, cờ bạc. Lo ngại chú sẽ bán ngôi nhà này để tiêu phá nên ông tôi đang tiến hành làm lại di chúc. Ông tôi muốn bố tôi đứng tên ngôi nhà ấy đề phòng những lúc chú ấy khó khăn sẽ giúp đỡ, cưu mang chú. Tuy nhiên, chú tôi đã cầm di chúc của ông, giả mạo chữ ký của ông tôi đi làm lại toàn bộ giấy tờ nhà đất. Chú ấy đã sang tên nhà đất của ông trái phép. Xin hỏi, chú tôi mang di chúc của ông đi làm lại giấy tờ trong khi ông tôi còn sống có vi phạm pháp luật hay không? Với hành vi này, chú tôi sẽ bị xử phạt thế nào? Các giấy tờ chú tôi đã làm giả thì sẽ bị xử lý ra sao? Thủ tục chuyển tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa ông tôi và bố tôi như thế nào?
sổ
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Theo Khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015, hiệu lực của di chúc tính từ thời điểm mở thừa kế.

 Thời điểm, địa điểm mở thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.”

Như vậy, ông bạn vẫn còn sống nên di chúc của ông bạn chưa phát sinh hiệu lực.Do đó, ông bạn vẫn là người sử dụng hợp pháp trên mảnh đất này. Chú bạn không có quyền thực hiện bất kỳ giao dịch nào đối với mảnh đất này.

Việc chú bạn giả mạo chữ ký của ông nội bạn để làm lại giấy tờ nhà đất sẽ bị xử lý hình sự với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự như sau:

“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một  trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây,  thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Thủ tục chuyển quyền sử dụng đất

Nếu ông bạn muốn sang tên cho bố bạn nhà đất trên thì giữa 2 người nên ký hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở. Hợp đồng này cũng cần phải công chứng hoặc chứng thực.

Sau khi hợp đồng có hiệu lực, theo Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, người nhận chuyển quyền nộp hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất, sang tên chuyển chủ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có đất.

Hồ sơ gồm:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (01 bản chính + 02 bản photo có chứng thực);
- Hợp đồng tặng cho sử dụng đất (02 bản có công chứng);
- Chứng minh nhân dân/hộ khẩu hai bên bán và bên mua (02 bộ có chứng thực);
- Giấy tờ chứng minh tài sản chung/riêng như Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng độc thân (02 bộ có chứng thực);
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (01 bản chính);
- Tờ khai lệ phí trước bạ (02 bản chính);
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân (02 bản chính);
- Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (02 bản chính);
- Tờ khai đăng ký thuế;
- Sơ đồ vị trí nhà đất (01 bản chính).